SIẾT CHẶT CÔNG TÁC KIỂM SOÁT PHƯƠNG TIỆN CHỞ HÀNG HÓA QUÁ TẢI TRỌNG :

Tất cả các doanh nghiệp phải cam kết

Thứ tư, 12/11/2014 11:15

(cadn.com.vn) - Ngày 10-11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đồng chủ trì Hội nghị ký cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu mối hàng hóa, sản xuất, cung ứng, các mỏ vật liệu, mỏ quặng, kho hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp ký cam kết tại hội nghị.

Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng các phương tiện vận chuyển hàng hóa quá tải trọng thời gian qua trở nên khá phổ biến đã gây tác hại nhiều mặt, làm cho hệ thống cầu đường xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài sản quốc gia. Mỗi năm, ngành GTVT đã phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường trên phạm vi cả nước. Ông Cường cũng đề cập thêm về những hệ lụy do chở quá tải trọng gây ra, đó là một trong những nguyên nhân chính gây mất ATGT, làm tăng số vụ TNGT; cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải dẫn, gây ra sự không bình đẳng trong hoạt động vận tải; phân bố tỷ trọng giữa các phương thức vận tải trở nên méo mó; kinh doanh các doanh nghiệp không hiệu quả, xe, thiết bị khấu hao nhanh, chi phí xăng dầu tốn kém...

Qua hơn 6 tháng ra quân kiểm tra trên diện rộng, lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông đã dần siết chặt công tác kiểm soát các phương tiện chở quá tải trọng cho phép. Đến nay, áp lực của vận tải đã giảm xuống dưới 45% so với 80-90% trước đây. Ông Cường cho biết thêm, Bộ GTVT đã đưa ra hàng loạt các giải pháp để kiểm soát vấn đề này và được các doanh nghiệp vận tải đồng thuận. Trong đó, đáng chú ý là siết chặt tiêu chuẩn xe nhập khẩu gắn với tăng cường công tác đăng kiểm bằng cách kiểm tra phương tiện giữa 2 kỳ đăng kiểm; kiểm soát tải trọng từ đầu nguồn hàng; trang bị cân tải trọng lưu động cho tất cả 63 tỉnh, thành phố; tăng cường công tác TTKS, xây dựng các trạm cân cố định... Theo nhiều ý kiến thì trong số các giải pháp trên thì giải pháp quản lý đầu nguồn hàng là hiệu quả nhất vì dễ kiểm tra và giảm bớt chi phí hạ tải dọc đường.

Việc kiểm tra kiểm soát tải trọng sẽ được siết chặt hơn nữa.

Liên quan đến công tác “Tăng cường quản lý hoạt động vận tải và siết chặt kiểm soát tải trọng xe” trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, ngành GTVT thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát tuyến, địa bàn, trong đó xác định 16 vị trí tổ chức kiểm tra tải trọng, 6 trạm cân điện tử của các Cty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để phối hợp khi cần thiết. Tổ chức ký kết với Phòng CSGT CATP về xây dựng kế hoạch phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật... tổ chức kiểm tra kiểm soát trên các tuyến Quốc lộ 1A, 14B, đường tránh Hải Vân-Túy Loan và các bến, bãi tập kết, vận chuyển hàng hóa, kể cả các tuyến đường nội thành; bắt buộc 96 chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm chở quá tải trọng.

Qua đó, từ đầu năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng ở Đà Nẵng đã kiểm tra 5.031 phương tiện, lập biên bản xử lý 1.178 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng, tước GPLX 967 trường hợp, xử phạt gần 3,2 tỷ đồng. Ông Nghĩa khẳng định, qua công tác kiểm tra theo chuyên đề “Siết chặt kiểm soát tải trọng xe” đã tạo được chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là lái xe và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô-tô; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tuổi thọ các công trình giao thông, tạo điều kiện an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nhờ đó mà TNGT trên địa bàn TP Đà Nẵng trong 10 tháng đầu năm 2014 đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng thời điểm của năm 2013.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Cty CP Bình Vinh hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Ông Bình khẳng định “Đến thời điểm hiện tại, 100% các kho hàng của Cty đều xuất hàng theo đúng tải trọng được ghi trên giấy đăng kiểm của từng phương tiện”. Còn ông Lê Nam Hùng, Phó Giám đốc Cty CP Portserco chuyên kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ Logistics thừa nhận “Việc kiểm soát tải trọng là hết sức cấp thiết để trả đúng giá trị của các loại hình dịch vụ vận tải hàng hóa, trong đó có lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ mà Cty chúng tôi đang cung cấp, góp phần gia tăng lợi ích chung cho toàn xã hội”.

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu trong thời gian đến, trên địa bàn TP phải đảm bảo tất cả các doanh nghiệp đều ký cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép. Chủ trương này phải được triển khai một cách đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn gắn với việc kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm, giám sát chặt chẽ những cam kết đã ký giữa các bên để đảm bảo tính hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.

Phương Kiếm

Ngày 10-11, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép cho các doanh nghiệp của Quảng Nam. Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải đối với ô-tô vận chuyển hàng hóa tại Trạm kiểm tra tải trọng xử lý lưu động Quảng Nam. Qua kiểm tra tải trọng, đã xử lý 122 phương tiện vi phạm, ra quyết định xử phạt 220 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 791 triệu đồng. Tại hội nghị, 8 doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép.