Tàu cá đóng theo Nghị định 67: Nhiều chủ tàu chây ì không trả nợ
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cho biết, đến nay các ngân hàng buộc phải khởi kiện 10 chủ tàu đóng theo Nghị định 67 (NĐ 67) và tòa án đã thụ lý hồ sơ. Đây là tỉnh có số lượng chủ tàu cá bị khởi kiện đòi nợ vay vốn nhiều nhất nước.
Ngư dân Mai Thành Phúc bên con tàu NĐ 67 nằm bờ 3 tháng nay tại cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang, Khánh Hòa. |
10 chủ tàu cá bị ngân hàng khởi kiện
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa, thời gian qua, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngư dân nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu quá hạn, nợ xấu gồm cơ cấu nợ, chấp nhận một thời gian trả chậm; cho vay vốn lưu động, đồng thời ngân hàng đã làm việc với từng khách hàng để xác định lộ trình trả nợ quá hạn (trả chậm hơn so với hợp đồng tín dụng); tìm kiếm cho khách hàng chuyển đổi theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu, kéo dài thời gian vay. “Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù ngân hàng rất thiện chí cơ cấu lại khoản nợ cho khách hàng, nhưng khi biết khoản nợ cơ cấu lại không được hỗ trợ lãi suất, nhiều chủ tàu không chấp nhận cơ cấu lại; không hợp tác, không mua bảo hiểm khi hết hạn bảo hiểm, có tư tưởng trông chờ Nhà nước xóa nợ. Một số chủ tàu có các nguồn thu khác để trả nợ, nhưng vẫn không đồng ý dùng các nguồn này để trả nợ ngân hàng. Sau khi ngân hàng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, nhưng chủ tàu không trả nợ, không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng nên buộc ngân hàng phải khởi kiện 10 chủ tàu theo quy định của pháp luật”, ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc Ngân hành Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa nêu trong báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị chức năng liên quan.
Ông Thảo cho biết, khó khăn, vướng mắc hiện nay là do nhận thức không đầy đủ của phần lớn ngư dân về chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67. Bên cạnh một số khách hàng gặp khó khăn thực sự trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản, vẫn tồn tại các chủ tàu đi biển thường xuyên, tình hình tài chính tốt nhưng vẫn cố tình chây ì, thiếu thiện chí trả nợ, khai báo chuyến biển bị lỗ... để chờ chính sách xóa nợ của Nhà nước. Cụ thể, khách hàng đồng thời có dư nợ khoản vay thương mại và khoản vay theo NĐ 67 tại chi nhánh Agribank Khánh Hòa nhưng chỉ thanh toán đúng hạn khoản vay thương mại, chây ì việc thanh toán khoản vay theo NĐ 67, buộc ngân hàng phải thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ như chủ tàu Võ Thị Liêu, Phan Cảo, Lê Văn Tèo, Võ Ngọc Trang.
Theo ông Thảo, tình trạng ngư dân không thực hiện mua đầy đủ bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ vẫn tiếp tục diễn ra. “Hiện nay, với lý do điều kiện khai thác không thuận lợi, doanh thu không đủ bù đắp chi phí và giảm mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các chủ tàu đóng mới, nâng cấp tàu cá vay vốn theo NĐ 67 không mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới vụ (tài sản đảm bảo cho khoản vay tại các ngân hàng thương mại) trong khi vẫn tiếp tục ra khơi khai thác, tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho tài sản đảm bảo (95% giá trị tài sản được hình thành từ vốn vay ngân hàng)”, ông Thảo nói.
Mời gọi chuyển nhượng lại tàu
Trước thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các UBND huyện, TX, TP có biển tiếp tục tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu rõ về ý nghĩa, ưu đãi mà bản thân các chủ tàu được hưởng theo NĐ 67, nghĩa vụ thực hiện đúng các hợp đồng tín dụng đã ký kết, nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay; quán triệt đến các chủ tàu nội dung của NĐ 17 (sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67), thực hiện nghiêm túc việc ghi chép sổ nhật ký khai thác thủy sản/báo cáo khai thác, nâng cao ý thức mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân; hỗ trợ các chi nhánh tổ chức tín dụng trong việc nắm bắt tình hình hoạt động của các chủ tàu cá đóng mới, nâng cấp theo NĐ 67 để thu hồi nợ đối với các chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng có biểu hiện chây ì.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cũng đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ, giới thiệu cho ngân hàng các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng lại tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp theo NĐ 67. Theo ông Thảo, đối với những trường hợp này, giá trị thực tế của con tàu luôn thấp hơn dư nợ vay ngân hàng, nên cần vận động chủ tàu cũ trả phần dư nợ chênh lệch giữa dư nợ hiện tại và giá trị thực tế của con tàu được định giá lại; đồng thời vận động chủ tàu mới nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay theo đúng dư nợ còn lại theo quy định để đảm bảo lợi ích hợp pháp của ngân hàng thương mại và các bên liên quan khi thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo NĐ 67. Đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí mua bảo hiểm thân tàu theo từng năm cho chủ tàu theo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa vào ngày 23-7.
Mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) về những vướng mắc, khó khăn khi triển khai NĐ 67, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói rằng: “Chúng tôi xác định có 5-6 nhóm nguyên nhân dẫn đến 55 chiếc tàu đóng theo NĐ 67 đang nằm bờ, trong đó có nguyên nhân đánh bắt không hiệu quả, vì ngư trường hiện nay quá tải. Ngoài ra, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động đang rất muốn chuyển đổi tàu cá, ngành nghề...”. Ông Cường cho biết thêm, trong tháng 12-2019, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết tất cả 28 tỉnh, thành phố để đưa ra các quyết sách riêng. “Chúng ta vẫn phải xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách để khuyến khích ngư dân, còn phương thức gì không phù hợp, chính sách gì không phù hợp kiên quyết loại ra” - ông Cường nhấn mạnh.
MỘC CA