Tây Nguyên vào mùa hội lớn

Thứ tư, 28/11/2018 09:05

Từ ngày 30-11 đến 2-12, Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 sẽ chính thức diễn ra tại TP Pleiku và H. Chư Păh (Gia Lai). Đây là sự kiện văn hóa đặc sắc và lớn nhất trong năm tại khu vực Tây Nguyên với sự tham gia của khoảng 1.000 nghệ nhân 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng.

Festival Cồng chiêng 2018 là dịp để cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau.

Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông qua lễ hội sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để giao lưu văn hóa, tăng sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.  Hiện có 11 hoạt động chính thuộc Festival đã được các sở, ngành, địa phương, các đoàn nghệ nhân đến từ các tỉnh  trong khu vực chuẩn bị chu đáo. Đáng chú ý, ngoài công tác chuẩn bị cho đêm khai mạc và các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực khác, tỉnh Gia Lai cũng đang nỗ lực tạo các địa điểm để tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Từ việc chọn các địa điểm: công viên Diên Hồng, công viên Đồng Xanh, khu vực nhà rông làng Ốp (TP Pleiku), làng Ia Gri, tỉnh Gia Lai… nhằm tạo ra một không gian văn hóa cồng chiêng. 26 đoàn nghệ nhân của 5 tỉnh trong khu vực sẽ mang đến những màu sắc văn hóa truyền thống khác nhau tạo nên một gam màu đặc sắc cho lễ hội như: lễ cúng cây nêu cầu an của dân tộc Ê Đê (Đắc Lắc), lễ cúng sức khỏe của người MNông (Đắc Nông), lễ cầu an của dân tộc Ba Na (Kon Tum), lễ sạ lúa của người Chu Ru (Lâm Đồng) và lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Ba Na (Gia Lai). Đặc biệt là lễ hội đường phố với sự tham gia của hơn 1.000 người thuộc 26 đoàn nghệ nhân sẽ tạo nên sắc màu đặc biệt. Đó là dịp để du khách, người dân được tiếp cận, chiêm ngưỡng những nét văn hóa, trang phục, nhạc cụ độc đáo.

Dù đang vào vụ mùa thu hoạch cà-phê, lúa nhưng mỗi đêm, tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên ở làng Mrông Yố (xã Ia Ka, H. Chư Păh, Gia Lai). Già làng Rơ Châm Nha (76 tuổi) cho biết: “Để chuẩn bị tham dự Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2018, đội cồng chiêng của làng có 35 người, gồm 25 nam diễn tấu cồng chiêng và 10 nữ múa xoang với đủ các độ tuổi. Người trẻ nhất mới 9 tuổi và người lớn tuổi nhất là mình. Bà con Gia Rai nơi đây sẽ tham gia thể hiện đầy đủ các loại hình văn hóa truyền thống”. Còn nghệ nhân Rơ Châm Hmút, đạo diễn các tiết mục văn hóa của  làng Mrông Yố cho biết, tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2018, làng sẽ tham gia diễn tấu 2 tiết mục cồng chiêng là Lễ Pơ thi và Lễ Đâm trâu. Nghệ nhân Hmút chia sẻ: “Được mời đi tham dự Festival cồng chiêng Tây Nguyên, bà con vinh dự lắm. Nhiều làng, xã cũng có cồng chiêng nhưng làng mình được chọn tham gia nên mình phải cố gắng. Diễn ở làng thì đơn giản nhưng diễn cho người dân, du khách xem thì phải chuẩn bị cẩn thận, tập luyện kỹ”.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 đã được tỉnh Gia Lai chuẩn bị kỹ lưỡng. Tại các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ cũng đã tăng cường nhân lực, công tác chuẩn bị đón du khách nhằm tạo nên ấn tượng tốt về một kỳ Festival năm nay. Dự kiến sẽ có một lượng lớn du khách, nghệ nhân cũng như các đoàn từ tỉnh bạn đến Festival, vì vậy bên cạnh chuẩn bị tốt các chương trình, công tác đảm bảo ANTT cũng được Ban tổ chức hết sức quan tâm.

Nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Festival lần này, lãnh đạo CA tỉnh Gia Lai đã triệu tập cuộc họp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phòng nghiệp vụ CA tỉnh và công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là thành phố Pleiku-nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, du lịch và ẩm thực. Trong đó, lực lượng CSGT, CSTT tăng cường công tác tuần tra, phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây mất ATGT. Đồng thời, lực lượng CSGT phải thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác như: CSHS, CSCĐ tăng cường tuần tra ban đêm nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời tình trạng thanh thiếu niên đua xe, chạy lạng lách, đánh võng… Lực lượng CS PCCC&CNCH phải chủ động lập kế hoạch, chuẩn bị tốt mọi phương tiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ… Lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương tập trung đảm bảo ANTT của lễ hội, huy động tối đa phương tiện, con người để góp phần cho một kỳ Festival Cồng chiêng diễn ra an toàn, tốt đẹp.

Diễn ra trong 3 ngày, với quy mô cấp khu vực, lễ hội gồm các hoạt động chính: lễ hội đường phố, phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống, trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm, sinh hoạt văn nghệ dân gian. Ngoài ra, còn có một số hoạt động khác như: Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, triển lãm tranh, ảnh tư liệu, công bố tour du lịch cộng đồng...

MINH TÂN