"Tề thiên" đại náo... hoa màu!

Thứ năm, 06/12/2018 11:21

- Khổ quá Bề Tui ơi! người dân quê Tư Quảng Ngãi đang "đau đầu" với con cháu "Hầu vương" đây.

 Người dân khốn đốn vì nhiều diện tích hoa màu bị đàn khỉ phá hoại.

- Sao vậy Tư? Khỉ về quấy phá gì vậy?

- Thời gian gần đây, một đàn khỉ khoảng 50 cá thể xuống núi phá hoại hoa màu đang đến thời điểm thu hoạch của người dân ở xã Bình Tân (H. Bình Sơn, Quảng Ngãi). Theo người dân, vụ mùa này coi như thất thu, thiệt hại nặng về kinh tế. Thông thường, đàn khỉ chỉ xuống tìm kiếm thức ăn vào sáng sớm nên nhiều người dân chịu khó ngồi canh giữ xua đuổi khỉ vào rừng. Tuy nhiên, thấy người khỉ lại ẩn mình, đến khi người dân về nhà nghỉ ngơi thì khỉ lại hoạt động. Chứng kiến cảnh nhiều diện tích bắp, chuối, đậu phộng... ngã đổ, hư hại người dân không khỏi khốn đốn, xót xa.

- Không có biện pháp nào ngăn chặn?

- Thực tế thì trước đó có đàn khỉ đã từng xuất hiện tại khu vực gần với nơi sản xuất hoa màu của người dân nhưng chúng không "làm loạn", chỉ thời gian gần đây khỉ mới phá hoại hoa màu. Người dân cũng đã tìm nhiều cách đối phó như bỏ thời gian thay nhau canh giữ, dựng bù nhìn, dùng thùng phuy gõ xua đuổi nhưng không hiệu quả, thậm chí còn bị phá hoại ngày càng nhiều. Hiện tại đã đến thời điểm xuống giống vụ mới nhưng người dân vẫn chưa thể triển khai.

- Chính quyền địa phương có biết việc này không?

- Người dân đã phán ảnh lên chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng để tìm cách giải quyết, hỗ trợ người dân. Lãnh đạo UBND xã Bình Tân cho hay, sau khi nắm tình hình đã vận động người dân tập trung xua đuổi đàn khỉ, tuyên truyền người dân tuyệt đối không được đặt bẫy, tấn công, giết hại chúng. Hiện, xã cũng đã báo cáo tình hình và đang chờ Chi cục Kiểm lâm tỉnh có biện pháp can thiệp, giúp đỡ người dân.

- Bề Tui cho rằng, tình trạng thú rừng về phá hoại hoa màu của người dân là hệ quả tất yếu khi rừng bị xâm hại, làm mất môi trường sống của các loài thú. Trước mắt, các ngành chức năng cần có phương án dẫn dụ đàn khỉ về rừng, nơi có nguồn thức ăn ổn định, phù hợp với đặc tính loài này. Về lâu dài, cần tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại rừng, bảo vệ môi trường sống cho loài linh trưởng này và các loại thú rừng khác.

BỀ TUI