Tên anh là tên đảo quê hương
(Cadn.com.vn) - Trong hơn 3.000 hòn đảo của Việt Nam, có lẽ duy nhất chỉ hòn đảo nhỏ "nửa nổi nửa chìm" trong quần đảo Trường Sa mang tên người. Đó là đảo Phan Vinh, tên người anh hùng của đoàn tàu không số năm xưa. Đảo Phan Vinh (tên quốc tế: Pearson Reef), tên cũ là Hòn Sập, là một hòn đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa, ở tọa độ 8o56' vĩ Bắc, 113o38' kinh Đông, cách TPHCM khoảng 430 hải lý.
Hòn đảo mang tên anh hùng Nguyễn Phan Vinh thì nhiều người biết vì sách báo nói nhiều. Nhưng chiến công hiển hách và sự sy sinh oanh liệt của thuyền trưởng tàu C235 Nguyễn Phan Vinh mà hòn đảo được mang tên thì có lẽ chưa được kể nhiều.
Trên đảo Phan Vinh. |
Theo sách "Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển"( NXB QĐND, 10-2011), Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933 tại Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam, từng được đi đào tạo chỉ huy tàu phóng lôi ở Trung Quốc. Với cương vị thuyền phó, rồi thuyền trưởng, Phan Vinh đã tham gia 11 chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam, đưa các vị lãnh đạo và các tướng lĩnh quân đội vào Nam công tác. Tháng 2-1968, trong chiến dịch vận chuyển vũ khí vào Nam cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng với chính trị viên Nguyễn Tương chỉ huy với 20 cán bộ thủy thủ đi tàu 235 chở 16 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo, Khánh Hòa ngày 27-2-1968 và chiến đấu kiên cường với giặc và hy sinh sau đó khi vừa tròn 35 tuổi. Năm 1970, Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND.
Sách "Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển" dẫn trích một bài viết của một sĩ quan Hải quân Sài Gòn trên Tạp chí "Lướt sóng" của Hải quân Sài Gòn thời đó mô tả: "Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng Quân lực Việt Nam cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực tế chỉ có 20 thủy thủ trên tàu C235) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho Mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết...". Đó không chỉ là lời thú nhận mà là sự khâm phục của địch về sức chiến đấu quật cường của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thủy thủ tàu C235 anh hùng...
Di ảnh AHLS Nguyễn Phan Vinh. |
Cháu Nguyễn Thị Thanh Tuyền, hiện là cán bộ Công ty thí nghiệm điện thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Đà Nẵng, là con anh Nguyễn Đức Xử, anh trai thứ 7 của Nguyễn Phan Vinh, kể với tôi: "Sau 9 năm từ ngày chú Nguyễn Phan Vinh lên đường tòng quân nhập ngũ chú chưa về thăm gia đình lần nào. Đầu năm 1963, bà nội mất vì bị địch bắt đánh đập dã man trong một trận chống càn ở quê. Cùng năm ấy, anh trai của chú là Nguyễn Đức Lân hy sinh trên chiến trường Quảng Nam. Trận chiến không cân sức giữa tàu 235 với tàu địch ở vùng biển Hòn Hèo (xã Ninh Phước, Ninh Vân, Khánh Hòa) tháng 3-1968, chú và 14 đồng đội đã hy sinh. Cuối năm ấy, ông nội cháu-ông Nguyễn Đức Mẫn là du kích xã Điện Nam cũng hy sinh trong một trận chống địch càn quét tại xã".
Như vậy, gia đình Nguyễn Phan Vinh có 3 liệt sĩ là bố anh, anh trai và anh. 2 Mẹ VNAH là mẹ và cô ruột của anh. Còn anh Nguyễn Đức Xử là bộ đội thời chống Pháp, hoạt động ở H. Điện Bàn. Năm 1954, tập kết ra Bắc ông làm bí thư chi bộ ở Nông trường Sao Vàng, Quảng Bình mấy chục năm liền. Sau giải phóng ông vào Nam làm giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng. Sau đó chuyển về quê làm Giám đốc Xí nghiệp Bao bì xuất khẩu Đà Nẵng... Gia đình có 9 người con, Nguyễn Phan Vinh là con út, ở nhà thường gọi là Mười Vinh. Ở Q. Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có một con đường và ngôi trường tiểu học mang tên Phan Vinh... Đó là cuộc đời, gia đình và chiến công làm cho tên tuổi Nguyễn Phan Vinh sống mãi trong lòng Tổ quốc như hòn đảo mang tên anh.
Ngô Minh