Tên anh sáng như ngọc
(Cadn.com.vn) - Cha mẹ mất sớm, chỉ để lại cho anh chị em Phan Ngọc Nhân mái nhà tranh tuềnh toàng và một sào đất cát trồng khoai lang tại xã Điện Nam, nay thuộc thôn 3, Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Lên 11 tuổi, Nhân phải đi cắt cỏ, chăn trâu cho địa chủ. Năm 1958, Nhân vừa tròn 22 tuổi cũng là lúc chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết lập ấp chiến lược, bắt mọi người phải "học tố cộng", ai không làm theo đều bị chúng thủ tiêu hết sức tàn bạo. Hàng ngày chúng tung lực lượng truy lùng, bắt bớ, bắn giết dã man bất cứ ai chúng nghi ngờ là cộng sản. Vì là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng nên Nhân cũng bị địch thường bắt bớ, tra tấn, song chúng đều bất lực vì không khai thác được gì ở anh.
Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm ra đời với chính sách tố cộng diệt cộng đẫm máu, không thể hoạt động bí mật tại địa phương, một ngày cuối tháng 11-1960, Nhân nói với vợ: "Trước sau bọn chỉ điểm cũng phát hiện ra anh nên bữa ni anh phải đi lên căn cứ. Em ở nhà chịu khó làm lụng nuôi con. Biết anh đi theo cách mạng, nay mai chúng sẽ bắt em lên xã, lên quận đánh đập, em khổ lắm đó. Nếu chúng bắt, em cố gắng bồng con gái đi theo, đừng để nó khát sữa mẹ nghe. Nó mới 3 tháng tuổi mà". Dứt lời, anh vác chiếc đòn xóc, cầm mo cơm nguội và chiếc liềm giả vờ đi cắt tranh về lợp nhà. Nhìn theo bóng chồng khuất hẳn sau lũy tre đầu làng, vợ anh lau vội hai hàng nước mắt lã chã, im lặng quay vào nhà.
Trường tiểu học mang tên Phan Ngọc Nhân. |
Phan Ngọc Nhân tham gia vào lực lượng bộ đội H. Điện Bàn đến tháng 3-1965, quân Mỹ ồ ạt đổ vào Đà Nẵng cục diện chiến trường Quảng Đà có nhiều thay đổi lớn. Được sự hà hơi tiếp sức của Mỹ, bọn ngụy quân, ngụy quyền tăng cường mở nhiều chiến dịch đàn áp như: "Chiến dịch 5 mũi tên", "bình định cấp tốc", "bình định đặc biệt", "bình định trọng điểm"... mặt khác mạng lưới tình báo, gián điệp, mật vụ của địch trà trộn vào mọi ngõ ngách, xóm làng để ngăn chặn phong trào cách mạng. Để trấn áp bọn phản cách mạng, ác ôn, chỉ điểm, ngày 2- 4-1965, Tỉnh ủy Quảng Đà chỉ đạo cho Ban An ninh tỉnh thành lập ngay Đội Trinh sát vũ trang (TSVT) ban đầu gồm 5 người do Phan Ngọc Nhân làm Đội trưởng nhằm thọc sâu vào sào huyệt của kẻ thù trong thị trấn, thị xã đánh những trận phủ đầu, tiêu diệt những tên gây nhiều tội ác với nhân dân.
Những ngày mới thành lập, vũ khí đánh địch còn quá thiếu, Phan Ngọc Nhân chỉ đạo các chiến sĩ cưa phá bom mìn của địch, lấy thuốc nổ chế tạo lựu đạn, thủ pháo để tấn công. Các chiến sĩ TSVT đã đóng nhiều vai dân thường với đủ loại nghề bươn chải mưu sinh để hợp pháp vào thị xã Hội An, địa bàn có khá nhiều ác ôn nguy hiểm nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở bí mật, tiếp cận các mục tiêu, lên sơ đồ, phục vụ cho các đợt tập kích. Qua hơn một tháng, anh và các trinh sát đã móc nối, xây dựng được 5 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở là cảnh sát viên của ngụy. Sau nhiều lần kiểm tra nghiệp vụ xét thấy số cơ sở này đủ độ tin cậy để cài cắm lâu dài, đồng thời triển khai một số trận diệt ác...
Tên Lư, một tình báo quê Nam Bộ được quan thầy đưa về làm Đồn trưởng Đồn Gành, Hội An. Chỉ chưa đầy 2 tháng nhận chức, hắn đã trực tiếp giết hại 5 người bằng nhiều cách dã man như chôn sống, mổ bụng moi gan, cắt tai phơi khô xỏ dây đeo lủng lẳng trước ngực, gặp ai hắn cũng chỉ vào chiếc tai người, dõng dạc tuyên bố: "Tau có bùa hộ mệnh đây, đạn đồng cộng sản bắn tao không thủng. Nếu muốn giết tau phải đúc đạn bằng vàng". Để diệt tên Lư, tháng 5-1965 Phan Ngọc Nhân đưa toàn đội về xã Cẩm Hà, Hội An bàn phương án.
Việc tiêu diệt tên Lư hết sức khó khăn bởi vì hắn là một tình báo cáo già, có nhiều kinh nghiệm cảnh giác nên bị du kích Hội An trừ khử mấy lần vẫn thoát chết. Đồn Gành lại nằm sát biển, cách trở con sông, xung quanh hàng rào dây kẽm gai lùng nhùng, có nhiều sắc lính bồng súng tuần tiễu nghiêm ngặt, vì vậy muốn đánh hiệu quả phải xây dựng cơ sở để nắm di biến động của hắn. Ông Mai Xúc, ở gần Đồn Gành, người thả lưới trên sông kể: "Khoảng 1 giờ sáng, anh Nhân vào gặp tôi, hướng dẫn, dặn dò. 7 ngày sau, tôi báo cáo với anh là ban đêm Lư thường dẫn quân đi phục kích bên ngoài, chừng 3 giờ sáng về ngủ tại đồn, 7-8 giờ ra giếng Bộng tắm và uống cà-phê tại một quán gần đó. Khi đi có một tốp lính bảo vệ".
Đêm 20-5-1965, Nhân cùng hai chiến sĩ lọt vào bên trong, anh rúc vào ụ rơm ven đường nằm phục còn hai chiến sĩ nằm ở ngoài hàng rào để hỗ trợ. Hôm ấy tên Lư vắng bóng, anh nghĩ ngay đến chuyện bị lộ, song vẫn hy vọng chờ đợi. Nắng tháng 5 hầm hập dội xuống, trong ổ rơm lại có đàn kiến lửa thi nhau cắn rát nhưng anh kiên trì nằm bất động. 11 giờ 30, tên Lư ngông nghênh đi trước, theo sau là 6 tên lính. Đợi cho chúng đến gần, anh từ đống rơm bung ra, Lư trố mắt chưa định thần chuyện gì thì loạt đạn K50 của anh đã kết liễu cuộc đời tay sai của hắn. Bọn lính Đồn Gành đuổi theo nhả đạn, song hai chiến sĩ trinh sát bắn trả để anh rút lui an toàn.
Lần khác, Phan Ngọc Nhân nhận nhiệm vụ của Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà và Ban An ninh tỉnh tấn công vào trụ sở Xứ bộ Quốc dân đảng miền Trung đóng tại Hội An, do Bùi Quang Soạn cầm đầu. Đây là cơ quan đầu não của đảng phái phản động nguy hiểm, có mạng lưới bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Không còn cách gì khác, Phan Ngọc Nhân phải hóa trang trong vai chuẩn úy ngụy để vào Hội An khảo sát tình hình, cố ghi nhớ những chi tiết xung quanh thật cụ thể rồi quay ra lên sơ đồ, họp toàn đội bàn kế hoạch tấn công.
Được lãnh đạo Ban An ninh tỉnh đồng ý phương án, nhiều ngày tiếp theo, anh chỉ đạo các chiến sĩ xây dựng nội tuyến, lần lượt vận chuyển vũ khí vào bên trong tập kết tại nhà một cơ sở. Đúng 23 giờ ngày 30-3-1967, anh cùng 7 chiến sĩ của đội trong sắc phục "lính Việt Nam cộng hòa" ngụy bất ngờ phóng B40, thủ pháo, làm sập hoàn toàn trụ sở Quốc dân đảng, diệt gọn 40 tên, trong đó có 1 tên liên đoàn trưởng bình định khét tiếng ác ôn, thu giữ 15 kg tài liệu mật, 9 súng quân dụng, 1 máy BRC10. Sau trận này, địch cảnh giác cao độ, đề phòng cẩn mật, song mệnh lệnh của trên bằng mọi giá phải đánh vào cơ quan Dân ý vụ, trụ sở USOM (CIA) tại thị xã Hội An để làm lung lay ý chí tàn sát của địch.
Từ xã Xuyên Thọ, Duy Xuyên, các TSVT tập trung về xã Cẩm Thanh với nhiều loại vũ khí, đợi khi màn đêm bao phủ khắp xóm làng mới thọc sâu vào bên trong. 1 giờ 20 ngày 22-2-1969, các trinh sát nổ súng tấn công trụ sở Dân ý vụ, diệt 50 tên. Các lỗ châu mai của địch ở gần đó khạc đạn liên hồi, địch tập trung nhiều binh chủng chống trả quyết liệt. Do nằm giữa thị xã, bị địch bao vây, Phan Ngọc Nhân chỉ đạo các chiến sĩ đánh mở đường thì trời hừng sáng, 4 chiếc xe tăng địch từ La Nghi với lính bộ binh dày đặc chặn các ngả đường. Đợt chiến đấu thứ hai diễn ra vô cùng ác liệt.
Lúc này chúng tăng cường 9 xe bọc thép rầm rộ tiến vào, cuộc đấu súng giữa các TSVT với địch đông gấp bội càng khốc liệt, 2 trinh sát hy sinh, 3 người khác bị thương trong đó có Phan Ngọc Nhân. Trận chiến không cân sức kéo dài đến 17 giờ ngày 23-2 thì súng của anh hết đạn, Nhân phải chụp lựu đạn M26 của địch ném trả và Phan Ngọc Nhân đã anh dũng ngã xuống giữa phố cổ Hội An. Trong trận này, Đội TSVT diệt 229 tên, trong đó có 57 tình báo Phượng Hoàng, 75 nhân viên CIA, 67 cảnh sát.
Từ khi thành lập đến lúc mãi mãi chia xa đồng đội, Phan Ngọc Nhân đã chỉ đạo Đội TSVT đánh gần trăm trận vào hang ổ của kẻ thù, làm cho chúng bạt vía, kinh hồn. Riêng anh có tới 19 lần hóa trang các vai binh lính, sĩ quan, cảnh sát ngụy để đột nhập nội thành diệt ác. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc đó, ngày 6-6-1976, liệt sĩ Phan Ngọc Nhân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Bây giờ ở Điện Nam Bắc có ngôi trường tiểu học vinh dự mang tên anh, người con của quê hương đã trọn đời hiến dâng cho Tổ quốc.
Thái Mỹ