Tết Đoan Ngọ ăn bánh ú tro

Thứ tư, 24/06/2020 19:00

Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) đang cận kề và đây cũng là thời điểm người dân thôn 4 xã Đại Hòa (H. Đại Lộc, Quảng Nam) tất bật làm bánh ú tro. Để làm được chiếc bánh ú tro thơm ngon và có hương vị đặc trưng, người làm bánh luôn có những bí quyết riêng và đặc biệt chỉ được truyền lại cho người thân trong gia đình.

Người thân trong gia đình ông Văn Quý Đông tất bật gói bánh ú tro để kịp bán ra thị trường đúng dịp Tết Đoan Ngọ.

Tại nhà ông Văn Quý Đông (50 tuổi) trong một buổi trưa đầu tháng 5 âm lịch có hơn 15 người đều là những anh, em, họ hàng đang tỉ mẩn gói những chiếc bánh ú tro lớn nhỏ. Ông Đông cho biết, ông đã có hơn 20 năm làm bánh ú tro. Ông không chắc loại bánh này có từ bao giờ, nhưng từ khi còn nhỏ, ông đã thấy người thân trong gia đình làm và sau đó truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Cũng như mọi năm, năm nay ông Đông đã chuẩn bị đủ 500 kg nếp với mục tiêu gói khoảng 50 nghìn bánh ú tro loại nhỏ và 25 nghìn bánh ú tro loại lớn. Để làm được số lượng lớn bánh như vậy, ông đã nhờ người thân trong gia đình hỗ trợ mình trong khâu gói bánh. Trước khi bước vào công đoạn gói bánh, gia đình ông Đông đã chuẩn bị các nguyên liệu từ 10 ngày trước. Trong sân nhà của ông cũng như hầu hết người dân thôn 4 trong những ngày qua đầy ắp một loại lá đặc biệt. Hỏi ra mới biết, đây là loại lá đốt dùng để gói bánh ú tro. Loại lá này không có sẵn tại địa phương mà được người dân mua từ các thương lái vùng khác đến. Dẫu vậy, trong thời điểm này có rất nhiều người tìm mua nhưng số lượng lại không có nhiều nên lá đốt thường xuyên "cháy hàng". 

Để làm được một chiếc bánh ú tro thơm ngon và có hương vị đặc trưng, mỗi gia đình đều có bí quyết riêng. Chính vì vậy công đoạn làm bánh thường chỉ do những bà con thân thiết trong gia đình đảm trách. Nguyên liệu để làm nên chiếc bánh ú tro ngoài lá đốt khó tìm mua nhất thì còn lại nếp, lá chiếu để quấn, nhân đậu đen và nước tro mè đều có sẵn tại địa phương.

 Với 500 kg nếp, ông Đông phải cần những chiếc thùng lớn đựng mới xuể. Sau khi cho nếp vào từng thùng, ông cho một loại nước đặc biệt được sơ chế từ thân cây mè vào hòa quyện với nếp và ngâm trong vòng 1 ngày. "Hương vị bùi bùi đặc trưng của bánh ú tro có được cũng 1 phần do được ngâm với nước tro mè. Để làm được loại nước đặc biệt này, chúng tôi phải thu hoạch thân cây mè về phơi khô, sau đó đốt cháy để lấy tro. Tro mè sẽ được hòa với nhiều nước cho lắng cặn, sau đó đổ ra một thùng khác để ngâm với nếp. Sau 1 ngày, khi hạt nếp mềm và có màu vàng nhạt, chúng tôi sẽ tiếp tục pha với 1 lượng phèn vừa đủ để sau khi bánh được nấu chín sẽ có màu vàng và độ dẻo đặc trưng", ông Đông vui vẻ chia sẻ bí quyết.

Hàng nghìn chiếc bánh ú tro lớn, nhỏ của ông Văn Quý Đông được làm ra trong ngày mùng 2 tháng 5 Âm lịch.

Để gói được những chiếc bánh có hình chóp tam giác, người làm bánh phải áp lưng 2 chiếc lá đốt vào nhau sau đó xoay vòng để tạo thành dạng phểu. Nếu là loại bánh không nhân thì chỉ cần bỏ vài muỗng nếp. Để buột bánh, nhiều người thường chọn dây chiếu bởi đây là loại có độ dẻo dai cao. Sau công đoạn gói bánh, hàng chục nghìn bánh ú tro lớn, nhỏ sẽ được nấu trong vòng khoảng 4 giờ để chín nếp cũng như đảm bảo được độ dẻo đặc trưng của bánh. "Công đoạn từ khâu chuẩn bị đến lúc ra thành phẩm tưởng đơn giản nhưng phải trải qua quá trình chuẩn bị lâu dài và phải có đông người làm mới xuể được. Đặc biệt, khâu gói bánh cũng rất quan trọng, bởi nhiều người có thâm niên từ 4 đến 5 năm vẫn không thể gói được 1 chiếc bánh đẹp hoàn chỉnh. Tôi nghĩ rằng, để học nghề và theo nghề, mỗi người cần có được cái duyên trời phú", ông Đông thổ lộ.

Theo lời ông Đông, hiện nay tại thôn 4 có hơn 20 hộ còn gắn bó với nghề làm bánh ú tro. Đặc biệt, có một vài hộ trong thôn còn chuẩn bị cả 2 tấn nếp để làm hàng trăm nghìn bánh cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, TT- Huế, Quảng Ngãi. Ngoài xã Đại Hòa, ở thị trấn Ái Nghĩa và một số thôn tại TX. Điện Bàn, TP Hội An còn duy trì nghề truyền thống này.

Với giá bán 10 nghìn/10 bánh ú tro loại không nhân và 30 nghìn/10 bánh ú tro loại có nhân cùng với nhu cầu của thị trường rất lớn, ngay từ những ngày trước đó, các thương lái đã kịp đặt bánh của ông Đông. Với sự tỉ mẩn của người thân trong gia đình ông Đông và hơn 20 hộ làm bánh tại xã Đại Hòa cũng như các địa phương khác, loại bánh ú tro truyền thống của người dân xứ Quảng sẽ kịp thời đến tay khách hàng đúng vào dịp Tết Đoan Ngọ năm nay.

NGỌC QUỐC