Thái Bình Dương với biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 03/07/2015 09:59

(Cadn.com.vn) - Thái Bình Dương thường xuất hiện với hình ảnh các đảo bị chìm do mực nước biển tăng cao để tuyên truyền cho vấn nạn biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế, con người đang phải đối mặt với vấn đề tuy ít khẩn cấp nhưng phức tạp hơn rất nhiều: di cư hàng loạt do khí hậu khắc nghiệt. Rất có khả năng, các nước trong khu vực Thái Bình Dương sẽ không còn người sinh sống trước khi bị nhấn chìm bởi những tác động của biến đổi khí hậu.

Khu vực rộng lớn

Quần đảo Thái Bình Dương gồm 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với dân số khoảng 9,2 triệu người. Khu vực này có 300 hòn đảo có người sinh sống trong tổng số 7.500 hòn đảo. Dân số của các quốc đảo ở Thái Bình Dương rất khác nhau như 10.000 dân ở Tuvalu hay gần 7 triệu dân ở Papua New Guinea. Gần như tất cả các quốc đảo ở Thái Bình Dương được LHQ xếp vào nhóm các đảo nhỏ đang phát triển (SIDS). Giống như tất cả các quốc đảo nhỏ khác, quần đảo Thái Bình Dương có diện tích lãnh thổ nhỏ và nền kinh tế quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào du lịch. Với vùng duyên hải rộng lớn, các quốc gia thường xuyên phải hứng chịu những thiên tai như bão, sóng thần.

Các quốc đảo ở Thái Bình Dương đang phải trực tiếp hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh: Diplomat

Di cư trở thành xu hướng

Từ trước đến nay, người dân ở Thái Bình Dương và trên khắp thế giới phải rời khỏi nơi sinh sống bởi những thay đổi tiêu cực trong môi trường. Nhưng vào thời điểm này, hiện tượng di cư không chỉ là hậu quả của biến đổi khí hậu nữa mà còn bởi điều kiện sinh sống, gia tăng dân số và áp lực kinh tế. Cả cộng đồng dân cư phải rời khỏi các quốc đảo nhỏ không phải vì mực nước biển dâng cao mà đó chính là một cuộc di cư nhằm mục đích tìm triển vọng kinh tế tốt hơn ở nơi khác. Ở Thái Bình Dương, phong trào di dân vượt biên giới trở thành một xu hướng.

Mặc dù khu vực Thái Bình Dương chỉ chịu một phần trách nhiệm nhỏ trong khối lượng khí thải khổng lồ gây ra hiệu ứng nhà kính, đây là nơi đầu tiên phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này đặt ra câu hỏi về công lý và trách nhiệm của các nước trên thế giới.

Phải hành động!

Lãnh đạo của các quốc đảo ở Thái Bình Dương thẳng thắn trình bày quan điểm tại các cuộc thảo luận quốc tế về biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển cắt giảm lượng khí thải và tiến hành những biện pháp mạnh hơn để giảm tác động của biến đổi khí hậu hay tốc độ ảnh hưởng chóng mặt của nó. Đây là vấn đề sống còn với quần đảo Thái Bình Dương và các quốc đảo nhỏ khác trên thế giới. Tổng thống quốc đảo Kiribati Anote Tong nhấn mạnh sự cấp thiết phải hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với Thái Bình Dương và toàn cầu. “Những gì đang xảy ra là trách nhiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới và đây chính là lời cảnh báo sớm cho cộng đồng quốc tế. Nếu không có biện pháp nào được thực hiện, rất có thể đây sẽ là hiểm họa đối với nền văn minh nhân loại”, ông Anote Tong khẳng định.

An Bình

(Theo Diplomat)