Thái Lan rối ren sau bầu cử

Thứ tư, 27/03/2019 12:20

Đảng Peau Thai và đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) đang đua nhau thành lập chính phủ mới ở Thái Lan sau khi kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy không có đảng nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử đầu tiên của đất nước kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban bầu cử (EC) công bố, Peau Thai dẫn đầu với 138 ghế trên tổng số 350 đơn vị bầu cử, xếp thứ hai là đảng PPRP với 96 ghế. Tuy nhiên, theo phổ thông đầu phiếu, PPRP nhận được 7.939.937 phiếu, còn Peau Thái có được sự ủng hộ của 7.423.361 cử tri. Truyền thông sở tại dẫn lời lãnh đạo đảng PPRP khẳng định đảng này đã chiến thắng theo phổ thông đầu phiếu và có đủ tính chính danh. Trong khi đó, Peau Thai lại lập luận, họ giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện, do đó đảng Peau Thai phải có quyền thành lập chính phủ.

Mọi người theo dõi quá trình kiểm phiếu tại một khu vực bỏ phiếu ở Bangkok. Ảnh: CNN

Ai có quyền thành lập chính quyền?

Trong cuộc bầu cử lần này, tổng số phiếu mỗi đảng nhận được - bất kể ứng cử viên theo đơn vị bầu cử của đảng đó có giành chiến thắng hay không - sẽ có vai trò trong việc quyết định tổng số Hạ nghị sĩ mà đảng đó giành được.

Dựa trên công thức tính đại diện tỷ lệ thành viên hỗn hợp của Luật bầu cử Hạ nghị sĩ Thái Lan, Peau Thái nhiều khả năng sẽ có được tổng số 138 ghế ở Hạ viện, đảng PPRP giành được 119 ghế. Mặc dù cả hai đảng trên đều tuyên bố khả năng thành lập chính phủ, nhưng các chuyên gia phân tích nhận định việc này không hề dễ dàng. Theo kết quả công bố, hiện chưa đảng nào có thể lập được liên minh đủ 250 ghế ở Hạ viện, điều này có thể dẫn đến bế tắc. Hơn nữa, sự khác biệt về tổng số ghế ở Hạ viện của hai đảng là không lớn. Theo luật, đảng Peau Thai phải tập hợp được một liên minh với 251 ghế ở Hạ viện để thành lập chính phủ và đủ 376 ghế để bầu thủ tướng tại lưỡng viện, điều này chỉ xảy ra khi tất cả các đảng còn lại (trừ PPRP) ủng hộ đảng Peau Thai. Ngược lại, đảng PPRP chỉ cần 126 ghế ở Hạ viện để bầu thủ tướng, do đã có 250 Thượng nghị sĩ do Hội đồng Hòa bình và Trật tự (NCPO) chỉ định.

Một bức tranh đầy đủ hơn có thể xuất hiện vào ngày 29-3 tới, khi EC công bố tổng số phiếu bầu cho mỗi khu vực bầu cử, được sử dụng để xác định việc phân bổ ghế trong đảng. Trong thời gian tới, cả hai đảng trên sẽ tiếp tục thỏa hiệp với các đối tác tiềm năng để thành lập liên minh đa số ở Hạ viện. Người đứng đầu PPRP, Uttama Savanayana cho biết sẽ liên lạc với các đảng có cùng chí hướng để thành lập chính phủ mới. Nhà lãnh đạo của Peau Thai, Sudarat Keyuraphan, cũng cho biết sẽ cố gắng thành lập chính phủ vì đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. “Đảng có nhiều ghế nhất là đảng đã nhận được sự tin tưởng từ người dân để thành lập chính phủ”, bà Sudarat nói.

Có gian lận?

Việc kết quả bầu cử chính thức tiếp tục chưa được công bố đã làm giảm hy vọng rằng cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014 sẽ chấm dứt gần 15 năm bất ổn chính trị của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Mạng lưới bầu cử tự do Châu Á (ANFREL) có trụ sở tại Bangkok, nhóm xã hội dân sự tìm cách thúc đẩy bầu cử dân chủ, cho rằng, đã có gian lận trong cuộc bầu cử, trong đó cả PPRP và Peau Thai đều tuyên bố chiến thắng. “Môi trường có lợi đã được tạo ra để mang lại lợi ích cho quân đội”, Amael Vier, một quan chức của ANFREL cho biết tại cuộc họp báo. “Rất nhiều người vẫn bày tỏ sự không tin tưởng vào quá trình bầu cử”, ông cho biết thêm. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu cuộc bầu cử có tự do và công bằng hay không, một quan chức khác của ANFREL đã từ chối bình luận trực tiếp. “Rất nhiều điều phải được xem xét cùng nhau. Thật không công bằng khi kết luận rằng toàn bộ quá trình có tự do và công bằng hay không”, người đứng đầu ANFREL, Rohana Nishanta Hettiarachchie, nói. Trong khi đó, Nhóm giám sát P-Nrawng cho rằng, Ủy ban bầu cử do chính phủ chỉ định là không hiệu quả, và họ phát hiện việc mua phiếu trước khi bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử là chương mới nhất trong cuộc đấu tranh kéo dài gần 2 thập kỷ của các lực lượng bảo thủ bao gồm quân đội, tòa án và những người theo chủ nghĩa cực đoan chống lại bộ máy chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, một nhà tài phiệt, người đã ủng hộ chính trị Thái Lan theo truyền thống với một cuộc cách mạng chính trị dân túy.

Mặc dù mối quan hệ chính thức giữa ông Thaksin và Peau Thai hiện đã bị cấm một cách hợp pháp, ông vẫn cáo buộc về hành vi gian lận bầu cử của chính phủ đương nhiệm. Cáo buộc của ông bao gồm kết quả không nhất quán và sự chậm trễ của Ủy ban bầu cử, số phiếu bầu vượt quá số cử tri ở một số khu vực, số lần bỏ phiếu gấp đôi số cử tri đã đăng ký và một số lượng lớn phiếu bầu bị nghi ngờ. Trả lời phỏng vấn hãng AFP hôm 25-3, ông Thaksin cho rằng, cuộc bầu cử của Thái Lan đã bị hủy hoại bởi “những điều trái pháp luật” và “gian lận” để đảm bảo quân đội nắm quyền lực chính trị trong vương quốc.

AN BÌNH