Thảm họa sạt lở kinh hoàng ở Myanmar

Thứ sáu, 03/07/2020 11:24

Cho đến cuối ngày 2-7, thi thể của ít nhất 113 thợ mỏ đá quý đã được kéo ra khỏi bùn đất sau vụ lở đất kinh hoàng ở mỏ khai thác đá quý tại khu vực Hpakant thuộc bang Kachin, miền bắc Myanmar vào sáng sớm cùng ngày. Theo các giới chức, số người chết được cho là còn tăng cao do nhiều người khác vẫn còn bị chôn vùi dưới những đống bùn đất.

Thi thể các nạn nhân xấu số được đưa ra khỏi hiện trường vụ sạt lở.  Ảnh: AP

113 người chết, hơn 200 người vẫn bị chôn vùi

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, thảm họa xảy ra sau cơn mưa đầu mùa nặng hạt ở bang Kachin, gần biên giới Trung Quốc, Sở cứu hỏa Myanmar cho biết trong một bài đăng trên facebook. “Những thợ mỏ bị phủ trong bùn đất. 113 thi thể đã được tìm thấy”, Sở cứu hỏa Myanmar thông tin kèm hình ảnh được đội tìm kiếm và cứu hộ đang lội qua một thung lũng dường như đã bị ngập trong bùn lầy. Maung Myint, một nghị sĩ ở Hpakant thông tin, các đội cứu hộ mà ông tiếp xúc cho biết còn có 54 người bị thương được đưa đến bệnh viện. Đây là một trong những tai nạn tồi tệ nhất trong ngành khai thác đá quý nguy hiểm ở Myanmar.

Theo bài đăng này, nguyên nhân được cho do mưa lớn gây ra lở đất. Vụ việc xảy ra khi công nhân đang tìm kiếm những mẩu đá quý trên địa hình đồi núi lởm chởm ở thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc. Việc đào bới trước đó đã khiến nền đất nơi đây không còn vững chắc và khiến nó có diện mạo như Mặt Trăng. “Họ đã bất chấp cảnh báo không hoạt động các mỏ khai thác nguy hiểm trong mùa mưa”, cảnh sát địa phương nói với AFP.

Các cảnh quay chưa được xác minh của hiện trường cho thấy một dòng bùn đổ xuống địa hình khi các công nhân chạy tìm các lối thoát hiểm. Maung Khaing, một thợ mỏ 38 tuổi, nói với Reuters rằng, anh nhìn thấy cảnh một đống rác thải cao chót vót sụp đổ và mọi người hét lên "chạy mau, chạy mau". “Trong vòng 1 phút, tất cả những người ở dưới cùng ngọn đồi đã biến mất. Tôi cảm thấy trống rỗng trong lòng... Có những người mắc kẹt trong bùn la hét cầu cứu nhưng không ai có thể giúp họ”, anh cho biết. 

Lực lượng cứu hộ nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân, đưa họ lên từ những đống bùn đất và sử dụng lốp xe như những chiếc bè tạm thời. Sau đó, các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã tạm ngưng vì mưa lớn hơn.

Nhu cầu từ Trung Quốc

Cảnh sát cho biết, số người chết có thể còn cao hơn nếu nhà chức trách không cảnh báo người dân tránh xa các hố khai thác.

Sạt lở đất gây chết người thường xảy ra tại các mỏ đá quý - ngành công nghiệp sinh lợi nhuận cao nhưng quản lý kém, sử dụng lao động nhập cư lương thấp để tạo ra loại đá quý rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Mọi việc đáng lo khi lượng mưa lớn khiến địa hình càng lầy lội trong mùa gió mùa nổi tiếng nghiêm trọng của Myanmar. Cơ quan giám sát ước tính rằng, ngành công nghiệp này trị giá khoảng 31 tỷ USD trong năm 2014, mặc dù rất ít tiền đến được kho bạc nhà nước. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của miền Bắc Myanmar - gồm ngọc, gỗ, vàng và hổ phách – đã giúp cả hai phe trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa quân nổi dậy Kachin và quân đội. Cuộc chiến để kiểm soát các mỏ và doanh thu mà chúng mang lại thường xuyên khiến dân thường địa phương phải chịu khốn khổ. Theo Reuters, một luật khai thác đá quý mới đã được thông qua vào năm 2019 nhưng các nhà phê bình nói rằng, chính phủ nước này không thường xuyên kiểm tra, thanh tra để ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp.

Cũng tại khu vực Hpakant này, một vụ lở đất xảy ra vào năm 2015 đã khiến 116 người chết. Mới đây nhất, vào năm 2019, một trận lở đất cũng đã chôn vùi hơn 50 công nhân.

KHẢ ANH