Thảm kịch quanh dự án “siêu đại bác” của Saddam Hussein
(Cadn.com.vn) - Khẩu súng lớn nhất từng được thiết kế theo yêu cầu của cựu Tổng thống Saddam Hussein với mong muốn Iraq dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ ở thế giới Arab đã không thực hiện được. đằng sau đó là câu chuyện về một nhà thiên tài với giấc mơ còn dang dở, những bí mật quân sự cũng như vụ giết người chấn động thế giới.
Hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí Hoàng gia ở Fort Nelson, Anh, 2 ống sắt khổng lồ là một trong số ít các phần còn sót lại của một khẩu “siêu đại bác”, có tên gọi là Big Babylon. Đây là phát minh của Gerald Bull, một trong những chuyên gia pháo binh hàng đầu thế giới. Thế nhưng dự án “siêu đại bác” này đã không thể thực hiện và cũng không ai được quyền tiếp tục thực hiện. Chuyện gì đã xảy ra? Và câu trả lời duy nhất chính là một câu chuyện về sự ngạo mạn, những tham vọng bị phá ngang và những bí mật quân sự.
Chuyên gia Gerald Bull (ngoài cùng bên trái) và ống sắt khổng lồ còn sót lại của khẩu “siêu đại bác”. |
Chuyên gia pháo binh
Nhân vật được cựu Tổng thống Saddam Hussein nghĩ đến ngay khi muốn cải tiến hệ thống vũ khí của quốc gia là Gerald Bull. Sinh năm 1928 ở Canada, ông Bull là người đam mê chế tạo máy móc, thiết bị.
Năm 1960, dự án chế tạo loại súng có thể phóng vệ tinh của ông được cả Mỹ và Canada quan tâm. Năm 1961, Bull bắt tay thực hiện Dự án nghiên cứu trên độ cao lớn (Harp), dự án liên doanh giữa chính phủ Mỹ và Canada. Tuy nhiên, dự án tạm thời ngừng lại năm 1967 do những bất đồng không thể giải quyết. Sau đó, Bull nảy sinh ra ý tưởng chế tạo khẩu siêu đại bác phóng vệ tinh vào không gian, có thể gọi là siêu không gian, nhằm tiết kiệm chi phí. Nhưng vấn đề chi phí cản trở con đường chế tạo của ông. Để có thể phát triển dự án, Bull thành lập Cty Cổ phần Nghiên cứu Vũ trụ ở thành phố Quebec và bắt đầu bán vũ khí cho chính phủ Nam Phi.
Năm 1976, ông bị bắt với tội danh vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Nam Phi và bị một tòa án của Mỹ tuyên phạt 6 tháng tù giam. Sau khi mãn hạn tù, ông tiếp tục duy trì giao thương với Nam Phi, và lần này bị phạt 55.000 USD. Chán với sự can thiệp quá nhiều của chính phủ Canada và Mỹ trong công việc của mình, ông đã chuyển đến Brussels, Bỉ và thành lập một Cty chuyên tư vấn về chế tạo các loại “siêu đại bác”.
Với dự án “siêu đại bác”
Năm 1981, Chính phủ Iraq chủ động liên lạc với Bull và yêu cầu ông thiết kế pháo binh để quốc gia này sử dụng trong cuộc chiến chống Iran. Tại thời điểm này, ông Saddam Hussein là Bộ trưởng Quốc phòng Iraq.
Sau khi thương lượng, năm 1988, Baghdad đồng ý chi cho Bull 25 triệu USD để thực hiện dự án Babylon, dự án súng không gian đầu tiên thế giới. Đổi lại, Bull phải giúp quốc gia này cải thiện hệ thống pháo binh. Theo đó, dự án Babylon gồm 3 siêu đại bác: 2 khẩu Big Babylon có cỡ nòng 1.000mm và 1 khẩu Baby Babylon với cỡ nòng 350mm. Mỗi khẩu dài 156m, nặng 1.510 tấn. Big Babylon được tiên đoán sẽ làm “lu mờ” tất cả các “siêu đại bác” có kích thước to lớn trước đó, bao gồm những khẩu súng khổng lồ của Đức trong 2 cuộc thế chiến và những thiết kế súng không gian sau này. Cặp siêu đại bác này có thể bắn một đầu đạn nặng từ 600kg đến 2.000kg đến mục tiêu cách xa 1.000km. Sản phẩm này còn giúp quốc gia tiết kiệm nhiều chi phí cho việc phóng vệ tinh. Theo ước tính của NASA, việc sử dụng tên lửa thông thường có thể tiêu tốn 22.000USD/kg để phóng một vệ tinh hiện đại vào quỹ đạo, trong khi đó với Big Babylon chỉ tiêu tốn 1.727USD/kg.
Tháng 5-1989, siêu pháo hoàn thành và có thể phóng đầu đạn đến mục tiêu cách xa 750km. Trong khi đó, linh kiện cho việc sản xuất súng Big Babylon vẫn bí mật được nhập từ Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Italia qua Iraq.
Bi kịch
Từ đầu năm 1990, Bull nhận được nhiều lời đe dọa nặc danh yêu cầu từ bỏ việc giúp Iraq thực hiện dự án Babylon. Ông vẫn phớt lờ và phải trả giá bằng chính sinh mạng khi bị ám sát bằng 5 phát đạn vào ngực và đầu khi vừa bước vào nhà ở Brussels ngày 22-3-1990.
Cơ quan tình báo đối ngoại của Israel là Mossad được cho là đứng sau vụ việc này. Mossad thực hiện kế hoạch ám sát này không phải vì Bull giúp Iraq chế tạo “siêu đại bác” mà đã giúp Iraq cải thiện công nghệ tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Nam Phi cũng được nghi ngờ là có liên quan đến vụ việc này. Cái chết của Bull làm gián đoạn dự án Babylon. Hai tuần sau đó, hải quân Anh thu giữ tất cả các linh kiện chế tạo nhằm ngăn chặn Iraq tiếp tục chế tạo loại vũ khí này. Liệu dự án Babylon có hồi sinh? Hiện nay, một số trường đại học và cơ sở nghiên cứu trên thế giới vẫn còn sử dụng công nghệ giống “siêu đại bác” với một quy mô nhỏ hơn cho kỹ thuật hàng không vũ trụ. Công nghệ này không những được dùng để phóng vệ tinh mà còn giúp kiểm tra tác động tốc độ của các mảnh vỡ không gian trên lớp bảo vệ vệ tinh.
Tuệ Khanh
(Theo BBC)