Thăm làng dệt thổ cẩm ĐHRôông

Thứ ba, 30/05/2017 10:46

(Cadn.com.vn) - Cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng 80km về phía Tây, Nhà sản xuất và trưng bày dệt thổ cẩm ĐHRôông (xã Tà Lu, Đông Giang, Quảng Nam) nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 14G đông người xe qua lại. Trên khoảng hiên phía trước, nhóm phụ nữ Cơ Tu xúng xính trong bộ váy áo truyền thống đang ngồi chăm chú dệt những tấm thổ cẩm nhiều màu sặc sỡ. Ngoài khu trưng bày, những sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện từ túi xách, khăn choàng đến váy áo nam nữ treo lủng lẳng hút ánh nhìn bởi bàn tay tài hoa của người chế tác, trở thành điểm dừng chân của nhiều đoàn khách du lịch khi rong ruổi trên cung đường này. Làng dệt hình thành năm 2013 bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Đại công quốc Luxembourg với mục đích hỗ trợ nhà trưng bày và kỹ thuật dệt may hàng thủ công. Dự án cũng tập huấn cách giao tiếp, bán hàng với người nước ngoài nhằm giúp đồng bào có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

Ngồi cần mẫn dệt chiếc dây áo khoác đang thành hình, chị Alăng Thị Hôn (30 tuổi), bảo rằng người phụ nữ Cơ Tu từ nhỏ đã được mẹ dạy cho nghề dệt truyền thống. Dù vậy, mục đích cũng chỉ làm ra quần áo phục vụ cho gia đình, chồng con sau này chứ chưa ai nghĩ một ngày mang những sản phẩm ấy ra bán cho du khách. Từ ngày vào làm việc tại đây, chị Hôn có thêm khoản tiền nhỏ trang trải trong gia đình. "Nhà mình có hai con nhỏ đang còn đi học, chồng ở nhà làm lúa nhưng ruộng rẫy ít lắm. Tiền mình thu được từ nghề dệt để dành mua mắm muối, gạo dầu nuôi con" - Hôn nói. Làng dệt có khoảng 30 chị em thường xuyên cộng tác, tiền bán sản phẩm sau khi trừ chi phí thì chị em tự chia nhau còn một phần bỏ vào làm quỹ chung, khi nào nguyên vật liệu sắp hết thì lại lấy quỹ này ra mua sắm mới tiếp tục sản xuất. Hôn nói rằng khách Tây đi du lịch ghé ngang đây rất thích vào tìm hiểu cách dệt thổ cẩm bản địa và mua hàng lưu niệm. Ngoài bày bán tại chỗ, nguồn hàng sản xuất ra còn được liên kết đưa xuống Hội An bán cho người nước ngoài. Chị Hôn bảo rằng nếu du khách đều đặn ủng hộ thì các chị em sẽ gắn bó với nghề dệt lâu dài, đây cũng là một phương cách giữ gìn bản sắc nghề dệt truyền thống của dân tộc.

Phụ nữ Cơ Tu chăm chỉ dệt nên sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Trần Thắng

Nghe thì mọi việc có vẻ dễ dàng nhưng làm ra một sản phẩm dệt thủ công thật khá kỳ công. Chị Bling Thị Non (24 tuổi), bảo rằng một sản phẩm đơn giản như chiếc dây áo khoác hay túi đựng điện thoại cũng mất ba ngày ròng rã dệt may, đính cườm. "Ngồi lâu ai cũng đau lưng, mỏi cổ nhưng so ra vẫn khỏe hơn ngày trước đi rẫy đi rừng nhiều. Nhờ nghề này mà mình phụ giúp chồng tiền mua quần áo, sách vở cho con đi học" - Non nói. Chị vui vẻ "quảng cáo" rằng được tập huấn cách làm mẫu mã nên làng dệt sản xuất được khá nhiều thứ, từ túi xách, túi đựng điện thoại, khăn choàng cổ, khăn trải bàn, ví tiền, quần áo nam nữ...vv, tổng cộng có tới 30 loại sản phẩm được sản xuất và bày bán tại đây. Nhưng Non cũng thật thà chia sẻ rằng hiện nay nhiều thanh niên, người trẻ trong làng thỉnh thoảng mới mặc quần áo truyền thống hoặc chỉ mặc trong dịp lễ hội. Do vậy chị lo ngại sở thích mặc quần áo tân thời sẽ làm nghề dệt truyền thống khó phát triển.

Trần Thắng