Thần công ở Thành Điện Hải

Thứ năm, 28/04/2016 08:50

(Cadn.com.vn) - Đến Bảo tàng Đà Nẵng hẳn mọi người thấy những khẩu súng thần công nằm im lìm, lặng lẽ trong sân, nhưng không nhiều người biết rằng những thần công ấy đã từng nổ vang rền, đánh trả cuộc xâm lược của  Tây phương.

Học sinh Đà Nẵng tham quan tìm hiểu lịch sử ở Bảo tàng Đà Nẵng.

Chẳng còn họa tiết hoa văn hay bài minh văn được chạm khắc trên thân súng, nhưng khi chạm vào ta vẫn cảm nhận được sự uy dũng của những khẩu thần công ở Bảo tàng Đà Nẵng. Xưa, cả triều đình và dân chúng đều tin rằng súng thần công không chỉ là vũ khí lợi hại mà còn là vật có thần. Thế mới có chuyện kể, một lần vua Tự Đức cho kéo súng thần công ra trận nhưng bao nhiêu ngựa kéo mãi không được, mọi người cho rằng thần công không muốn đi. Lúc đó vua Tự Đức xuống chỉ - "nếu ngài không chịu tham chiến thì Trẫm phải đích thân tới phạt trượng và ngài phải mất hết chức tước", sau lệnh đó thì chỉ cần hai con ngựa cũng kéo đi dễ dàng. Kể vậy để thấy rằng, các triều đại phong kiến Việt Nam, nhất là các vua nhà Nguyễn rất xem trọng súng thần công bởi nhận thấy sức mạnh của loại vũ khí này trong việc bảo vệ lãnh thổ.

Các nguồn sử liệu cho biết dưới thời Gia Long (1802 - 1820) bao gồm số súng đúc trước và sau năm 1802, súng mua của phương Tây,  súng thu được của nhà Tây Sơn có số lượng là 1.440 khẩu thần công bằng đồng và gang. Dưới thời Minh Mạng (1820 - 1840) đúc thêm 1.028 súng các loại, thời Thiệu Trị (1841 - 1847) đúc thêm 44 cổ thần công. Những súng thần công này đều được triều đình nhà Nguyễn chuyển đến để trấn thủ những nơi hiểm yếu trong nước. Tại Đà Nẵng, năm 1813 vua Gia Long cho xây dựng hai pháo đài,  đó là đài Điện Hải và An Hải. Khi ấy đài Điện Hải đắp bằng đất và ở vị trí gần bờ biển hơn, đến năm Minh Mạng 4 (1823) thì dời đến vị trí hiện nay và được xây  kiên cố bằng gạch.

Năm 1840, trước những biến động trong khu vực, vua Minh mạng ra dụ cho quan tỉnh Quảng Nam - "nghe nói người Anh Cát Lợi gây hấn với nước Thanh, có thể xảy ra chinh chiến. Nước ta giáp với nước Thanh mà vùng Trà Sơn ở cửa bể Đà Nẵng trước đây tàu thuyền nước ngoài thường tạm đóng, nay cần phải dò xét tuần phòng để vững chỗ bể". Cũng vào năm 1840, vua Minh Mạng ban dụ: "Hai thành An Hải và Điện Hải hiện đặt số súng đại bác khá nhiều, cho phái lấy một viên suất đội ở vệ Cảnh Tất hoặc doanh Thần Cơ và 20 tên lính ở đội Hộ Vệ, Cảnh Tất; cứ mồng 1 tháng 8 đến coi giữ các thành ấy, mỗi tháng một lần thay đổi". Qua các chỉ dụ trên cùng với  sự tăng cường quân đội, chứng tỏ trước khi qua đời, vua Minh Mạng đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc phòng thủ Đà Nẵng.

Và rồi dự cảm của vua Minh Mạng đã trở thành sự thật, ngày 31-8-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Trong cuộc chiến này, súng thần công được bố trí ở Đà Nẵng đã góp phần quan trọng cầm chân đội quân xâm lược. Thạc sĩ Lưu Anh Rô- Tổng Thư ký Hội sử học thành phố Đà Nẵng cho rằng dù lạc hậu hơn đại bác của phương Tây, nhưng thần công của triều Nguyễn không ít lần khiến quân địch khiếp vía. "Vào sáng ngày 18-11-1859, chỉ huy quân Pháp là Page ra lệnh cho các chiến hạm Némésis, Phlégeton cùng các tàu Tây Ban Nha tiến đánh pháo đài Định Hải, đồn Chân Sảng và Hải Vân Quan.

Sau khi cắt đặt mọi việc, Page ra lệnh cho các tàu nã pháo vào các pháo đài và đồn lũy An Nam. Đại bác hai bên thi nhau nổ dậy trời. Soái hạm Némésis khinh địch nằm ngay trên đường đạn giao tranh của 2 phía. Quân An Nam ở đồn Chân Sảng rót những phát thần công trúng vào pháo hạm Némésis, khiến tên trung tá Duppré Déroulède bị đạn đại bác của Nam quân cắt làm đôi, mấy tên lính đứng gần đấy cũng chịu cảnh thương vong. Sau trận này Page bị chính phủ Pháp khiển trách nặng nề vì để thiệt hại một sĩ quan giỏi và nhiều binh sĩ thương vong" - ông Rô nói.

Những khẩu thần công được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng gắn liền với thời kỳ lịch sử bi hùng của Việt Nam.

Có thể thấy, cùng với quyết tâm của triều đình và tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân, các khẩu thần công đã đóng góp không nhỏ chặn đứng cuộc tấn công của quân Pháp vào các năm 1858-1859, làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của quân giặc. Vì lẽ đó, những khẩu thần công hiện có ở Đà Nẵng trở thành chứng nhân một thời kỳ lịch sử bi hùng của dân tộc. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện-Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, sử sách chép lại rằng năm 1815 triều đình đã cấp cho tỉnh thành Quảng Nam 74 súng các loại gồm súng đồng Đại luân xa thảo nghịch tướng quân, súng đồng đại luân xa, súng đồng Hóa Sơn, súng đồng tướng quân, súng gang Hồng y... Tuy nhiên, qua những biến thiên của lịch sử, hiện Bảo tàng chỉ còn lưu giữ 11 khẩu súng thần công các loại. Trong số 11 khẩu súng thần công các loại, có 7 khẩu phát hiện ngay trong khu vực Thành Điện Hải, 3 khẩu phát hiện ở bên ngoài  khu vực thành và 1 khẩu được phát hiện ở bên kia sông Hàn. Đây là những hiện vật liên quan trực tiếp đến sự kiện nhân dân Đà Nẵng kháng Pháp năm 1858, là những di vật gắn liền với di tích lịch sử quốc gia Thành Điện Hải vì vậy đây là những hiện vật có ý nghĩa rất đặc biệt. Chúng tôi đã hoàn thành bộ hồ sơ để đề nghị Bộ VH-TT và DL công nhận những khẩu thần công này là bảo vật quốc gia"- ông Thiện chia sẻ.

Minh Hà