Tháng 3 trên quê hương anh hùng

Thứ năm, 27/03/2008 00:00

Về Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam trong những ngày  tháng 3, những con đường bê-tông phẳng lì chạy tít tắp. Mùi thơm của lúa non trên những cánh đồng xanh bát ngát. Xóm làng, ngõ chợ, trường học vang câu hát, tiếng cười. Mảnh đất “chảo lửa” trong những năm tháng chiến tranh từ lâu đã bước sang trang mới...

Đại Thắng những năm đánh Mỹ

(Cadn.com.vn) - Sau Hiệp định Genève, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp và nhảy vào Đông Dương, cả nước lại bước vào một cuộc chiến mới đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược. Hòa chung vào không khí chiến thắng của cả nước, quân và dân Đại Thắng kiên cường chiến đấu, nhiều trận đánh vang dội tại cầu Ông Nở làm cho quân thù khiếp sợ.

Ngày 22-6-1967, Trung đoàn 51 Mỹ đổ quân càn quét vùng B Đại Lộc. Từ ngày 14 đến 16-7-1967, tiểu đoàn quân tinh nhuệ R20 cùng với bộ đội huyện và du kích xã Đại Thắng đã ngoan cường chiến đấu, bẻ gãy cuộc lùng ráp của địch tại thôn Trang Điền, xã Đại Cường và cầu Ông Nở (thôn Phú An, xã Đại Thắng) tiêu diệt 1 đại đội và làm tan rã một tiểu đoàn địch.

Ngày 2-11-1967, quân Mỹ lại tiếp tục mở cuộc càn quét vào vùng B Đại Lộc nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang và các căn cứ địa cách mạng, song với mưu trí và tinh thần quả cảm, lực lượng của ta đã tập trung nhiều hỏa lực bí mật bố trí tại Gò Chùa chờ địch đến gần mới nổ súng tiêu diệt hàng trăm tên địch. Trận đánh này xảy ra giữa cánh đồng Phú An và Phú Bình.

Trung đội 1 phối hợp với Đại đội 1, bộ đội địa phương, lực lượng du kích xã Lộc Quý và đơn vị R20 dựa vào tuyến giao thông hào mai phục theo rìa làng Phú An. Khi 2/3 số quân Mỹ đã qua cầu, bộ phận đi trước còn cách rìa làng khoảng 25m, bộ đội bất ngờ đồng loạt nổ súng quật ngã ngay tốp đi đầu, số còn lại hoảng hốt chạy trở lại làng Phú Bình.

Nhưng cánh đồng trống trải và chiếc cầu hiểm yếu này đã buộc quân Mỹ phơi lưng hứng đạn.Tại trận đánh này đã tiêu diệt 72 tên Mỹ, thu được nhiều chiến lợi phẩm, vũ khí, đạn dược... Chiến công xuất sắc tại cầu Ông Nở được nhân dân Lộc Quý lưu truyền câu ca: “Lấy xác Mỹ xây cầu Ông Nở/ Cho Long - An nối lại Phú Bình”.

Cuối những năm 1967 trở đi, cuộc chiến tranh chống Mỹ  ngày càng ác liệt hơn. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân Đại Thắng lại tiếp tục kiên cường chiến đấu. 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Đại Thắng đã làm nên những chiến công to lớn: Đánh 185 trận, tiêu diệt và làm bị thương 1.875 tên Mỹ-ngụy, tiêu hủy 15 xe bọc thép, bắn cháy 5 máy bay các loại. Phối hợp với các lực lượng bộ đội đánh hơn  300 trận, diệt và làm bị thương 560 tên, thu 1.345 súng, diệt 20 tên ác ôn. Bên cạnh những chiến công to lớn đó, sự tổn thất, hy sinh cũng vô bờ bến. Cả xã có hơn 1.000 liệt sĩ, 1.500 người bị địch bắt tù đày, 5.500 người dân vô tội thiệt mạng vì nhiễm chất độc hóa học, bom đạn và sự tra tấn man rợ của kẻ thù.      

Anh Ngô Thanh Hải, cán bộ Ban An ninh Quảng Đà (giữa) cùng các cựu binh Đoàn R20 và lãnh đạo xã Đại Thắng bên Tượng đài Chiến thắng cầu Ông Nở.

  Vùng quê anh hùng sang trang mới

Sau ngày giải phóng, làng quê Đại Thắng tiêu điều, xơ xác, ruộng đồng tan hoang, nhà cửa đổ nát. Nén đau thương mất mát, bà con dựng lại nhà, cày lại ruộng, xây lại trường... Dưới đôi bàn tay của những con người cần cù một thời chìm trong máu lửa, Đại Thắng giờ đây đã là một miền quê trù phú. Những cánh đồng lúa xanh rì, tít tắp. Những con đường làng bê- tông phẳng lì, chợ búa đông đúc, sân trường rộn tiếng trẻ thơ...

Đầu năm 2008, Đảng bộ và nhân dân Đại Thắng đã xây dựng tượng đài kỷ niệm những chiến công của quân và dân tại cầu Ông Nở. Đây là một công trình ý nghĩa, nhằm hướng cho cán bộ, nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hồ Chín-Chủ tịch UBND xã - cho biết: Với những thành tích xuất sắc đạt được trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, năm 1978, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Thắng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Để xứng đáng với danh hiệu cao quý đó, 30 năm qua cán bộ và nhân dân địa phương không ngừng phấn đấu. Đến nay, toàn xã đã xét và được công nhận hơn 1.500 liệt sĩ, 123 thương bệnh binh, 1.025 gia đình có công cách mạng, phong và tặng huy hiệu cho 105 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình, đối tượng chính sách luôn được chăm lo. Toàn xã đã xây dựng được 150 ngôi nhà tình nghĩa, 25 ngôi nhà Đại đoàn kết. Về công tác xóa đói giảm nghèo, nếu sau giải phóng trên địa bàn xã có hơn 80% hộ nghèo thì đến nay con số này chỉ còn hơn 10%. Riêng năm 2007, tổng giá trị sản phẩm xã hội đạt 52,4 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2006. Tổng sản lượng lương thực đạt 4.100 tấn.

VH-XH ngày càng phát triển, xã hiện có 4 cấp học từ mầm non đến THPT, trong đó có 3 trường được kiên cố hóa khang trang, một trường được Bộ GD&ĐT công nhận là trường chuẩn quốc gia. Năm 2007, toàn xã có hơn 200 em thi đỗ đại học, cao đẳng, dạy nghề trong đó có 1 em là thủ khoa Trường Đại học KHXH&NV TPHCM. Mạng lưới y tế, truyền thanh được đưa tới từng hộ dân... QP-AN luôn được đảm bảo, giữ vững ổn định. Trong những ngày tháng 3-2008 này, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Thắng chuẩn bị kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng Quảng Nam và 30 năm Ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Những địa danh như: Địa đạo Phú Xuân dài gần 2.000m là nơi Khu ủy Khu V-Đặc khu Quảng Đà, Ban An ninh Quảng Đà lấy nơi làm việc và chiến đấu, đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Tổng kho lương thực K65 ở Phú Thuận phục vụ lương thực cho chiến trường Quảng Đà... Chia tay chúng tôi, ông Phạm Thắm-Bí thư Đảng ủy xã - tâm sự: “Đảng bộ và nhân dân xã Đại Thắng quyết tâm đưa quê hương anh hùng một thời bão bùng lửa đạn ngày càng khởi sắc, xứng đáng với những chiến công hiển hách năm xưa”.

Anh Tuấn