Tháng 3 về...

Thứ bảy, 05/03/2016 10:49

(Cadn.com.vn) - Tháng 3 nhắc nhớ chúng ta nhiều hơn đến người lính quân hàm xanh, và cũng là nhắn gửi lời tri ân đến mỗi người dân đang ngày đêm ra sức giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

BĐBP Quảng Trị canh giữ biển đảo quê hương.

1. Gió lớn xô đám cháy bùng lên dữ dội trong đôi mắt thất thần của ngư dân Nguyễn Thanh Hiệp (Mỹ Thủy, xã biển Hải An, H. Hải Lăng, Quảng Trị). Nhìn phía trước, chiếc thuyền đánh cá và toàn bộ ngư lưới cụ trị giá hàng chục triệu đồng của mình sẽ thành tro tàn trong giây lát nữa thôi, anh quỵ gối bất lực. “Gia đình tui biết làm răng mai đây khi thuyền, lưới cháy hết rồi, bộ đội cũng tìm nguyên nhân giúp tui với”, anh Hiệp ôm lấy cán bộ ĐBP Mỹ Thủy (BĐBP Quảng Trị) nghẹn giọng. Lúc đó là khuya ngày 20–2–2016. Đồng thời với công tác điều tra, ĐBP Mỹ Thủy nhanh chóng vận động đóng góp, trước hết là từ CBCS trong đơn vị để kịp thời giúp đỡ cho gia đình anh Hiệp. Lãnh đạo BĐBP Quảng Trị cũng quan tâm sâu sắc, thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ động viên gia đình.

Chưa dừng lại đó, CBCS ĐBP Mỹ Thủy còn tích cực phối hợp với chính quyền gõ cửa từng nhà dân vận động giúp đỡ anh Hiệp. Thêm 25 triệu đồng nữa của bà con ngư dân chia sẻ với gia đình gặp nạn. “Dẫu biết so với thiệt hại thì số tiền đó không thể trang trải được hết nhưng tấm lòng của CBCS biên phòng, của bà con đã thực sự là động lực để anh Hiệp và gia đình vượt qua được giai đoạn khốn khó lúc này, tiếp tục ra khơi, đóng góp công sức giữ gìn biển đảo quê hương”, lão ngư Nguyễn Văn Giang bày tỏ. Sự đoàn kết, tương thân tương ái thắm thiết ấy cũng khiến  người lính canh biển nơi miền chân sóng này thêm phấn khởi. “Mỗi người dân là mỗi “chiến sĩ”, tạo nên thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh bằng những hành động thiết thực, thấm đẫm trách nhiệm, sự thương yêu, tin tưởng lẫn nhau như thế”, đoàn viên Lê Chí Khang không giấu được tự hào khi nói về tình quân dân nơi đây.

Sỹ quan ĐBP Mỹ Thủy ân cần đón ngư dân về đồn tránh bão lớn.

2. Lại nói đến ngư dân khu phố 5, TT Cửa Việt, những “cột mốc” kiên cường của Tổ quốc giữa trùng khơi. Với đội tàu 45 chiếc đánh bắt xa bờ từ 400 đến 750CV, một năm có đến 10 tháng ở trên vùng đánh cá Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa và xuống tận Kiên Giang, ngư dân đã coi biển là nhà. “Kể từ khi thành lập ban tự quản, ngư dân không còn hoạt động riêng rẽ, sự đoàn kết khiến họ an tâm, mạnh dạn và sáng tạo trong sản xuất”, ông Bùi Đình Sành, Trưởng ban tự quản hào hứng cho biết thêm. Ấn tượng với chúng tôi nhất có lẽ là sáng tạo bộ dù “hãm” sóng dữ cho tàu đánh cá xa bờ của ngư dân Võ Văn Huỳnh và Võ Hồng Thanh hơn 15 năm trước.

Thời điểm đó, hai ông là những người tiên phong đánh lưới rê, nay ông Thanh và đội tàu khu phố 5 đều chuyển lưới bùng nhùng, lưới kéo dài 10 hải lý, rộng 20m chuyên về cá thu. Với quy mô lớn, di chuyển đánh bắt trong điều kiện gió cấp 7, cấp 8 nên việc “bảo hộ” cho tàu cá là một vấn đề không dễ dàng, nếu dùng phao bình thường không trụ nổi, dễ gặp nạn. Chính vì thế, chiếc dù đường kính 5m được thiết kế đặt trước mũi tàu khi gió to, sóng hỗn tạo ra hiệu quả thiết thực. “Biển động bà con vẫn ra khơi xa, qua đây nắm chắc tình hình trên biển quê hương báo về đất liền”, ngư dân Bùi Đình Thủy nhiệt tình kể. Một thói quen thấm vào máu thịt của ngư dân nơi đây, đó là mỗi ngày trên biển họ đều đặn liên lạc mấy bận về ĐBP Cảng CK Cửa Việt. Thân thuộc là thế nhưng mỗi ngày bên cứ ngóng trông, còn nơi đầu sóng lại nhớ thiết tha. Cuộc gọi từ khơi xa, họ không cần phải nhắn nhủ thêm gì bởi lòng ngư dân và tâm khảm người lính đã hòa làm một trong trách nhiệm thiêng liêng giữ gìn biên hải Tổ Quốc.

Càng tự hào hơn khi ngư dân ngày đêm cần mẫn bám biển thì trên đất liền, con cháu họ được chính những người lính quân hàm xanh giúp đỡ, nâng bước đến trường. Thượng tá Đặng Ngọc Sơn, Đồn trưởng ĐBP Cửa Việt (đóng chân địa bàn xã ven biển Triệu An, H. Triệu Phong) cho biết đồn đã nhận đỡ đầu 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi mỗi tháng 400 ngàn đồng từ đóng góp của toàn CBCS đơn vị. “Không chỉ hỗ trợ về vật chất, BĐBP còn là điểm tựa tinh thần, tận tình chăm sóc các cháu. Tình cảm ấy khiến bà con ngư dân nơi đây rất xúc động, hun đúc thêm tình yêu quê hương, giữ gìn biển đảo cho lớp trẻ hôm nay”, cụ Nguyễn Văn Khanh chia sẻ. “Không chỉ ĐBP Cửa Việt, tất cả các ĐBP trên 2 tuyến của Quảng Trị đều nhận đỡ đầu học sinh nghèo, khó. Năm 2016, chương trình “nâng bước đến trường” còn nhân rộng ở tất cả phòng, ban trong toàn lực lượng”, Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy BĐBP Quảng Trị khẳng định đầy tâm huyết.          

Bài, ảnh: Bảo Hà