Tháng Bảy tri ân

Thứ ba, 09/07/2019 13:22

Giữa cuộc sống bộn bề, hối hả nhưng mỗi độ tháng Bảy về, vùng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) lại tiếp tục khơi dậy lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh để đất nước đơm hoa, kết trái. Chiến tranh qua đi, biết bao con người đã nằm xuống và  không bao giờ trở lại. Đó là mất mát không thể nào đong đếm đối với gia đình, người thân của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nỗi đau chung của cộng đồng.

Tuổi trẻ nông thôn Hòa Vang dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Ở thôn La Châu (xã Hòa Khương), mẹ VNAH Lê Thị Qua (97 tuổi) hiện như ngọn đèn hiu hắt. Chồng và 3 con của mẹ đi không một lần trở lại. Tâm niệm của mẹ là được tự tay thắp lên nấm mộ các con một nén hương thơm, nhưng tâm niệm ấy khó trở thành hiện thực. Bởi sức khỏe của mẹ đã cạn kiệt từ lâu do di chứng những trận đòn tra tấn của địch. Với mẹ, còn đó nỗi buồn vì chưa tìm được hài cốt 2 con là liệt sĩ Trà Thị Huynh và Trà Văn Đệ để đưa về quê, dù biết rằng nơi đâu trên đất nước này cũng đều là quê hương. Tương tự, ở thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong), những người con của mẹ VNAH Phạm Thị Khuê cứ nối tiếp nhau ra đi; hòa bình lập lại, những người con của mẹ là Thái Bá Giác, Thái Bá Đắc, Thái Bá Niên, Thái Thị Vân vẫn biền biệt không về. Mẹ VNAH Trần Thị Hợi chỉ trong 3 năm 1965-1967 có 4 người con là Nguyễn Văn Phấn, Nguyễn Văn Nha, Nguyễn Thị Ẩn, Nguyễn Văn Khả lần lượt hy sinh... Với các mẹ, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng nhưng cái chung nhất là sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời cho những người đàn ông trong gia đình mình đi chinh chiến vì quê hương, đất nước.

Là địa bàn giáp ranh với H. Đông Giang (Quảng Nam) nên trong chiến tranh chống Mỹ, xã miền núi Hòa Phú luôn bị đạn bom đánh phá ác liệt, một phần đây là cửa ngõ từ miền xuôi lên với địa thế hiểm trở có nhiều cơ quan, đơn vị chọn làm nơi tập kết, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng quê hương. Ông Đinh Văn Sâm (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) - du kích trong kháng chiến chống Mỹ nhớ lại: "Sau ngày đất nước thống nhất, Hòa Vang sớm có chủ trương xã hội hóa công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Do thời gian kéo dài cùng với thiên tai lũ lụt, địa hình thay đổi nên công việc tìm kiếm cũng gặp nhiều khó khăn. Song, cán bộ, nhân dân địa phương vẫn tự nguyện mang theo lương thực, băng đèo vượt suối với bao hy vọng phát hiện được nhiều dấu vết đồng đội mình trong lòng đất". Cũng theo ông Sâm, việc làm của các ông không tính công, mà là xuất phát từ tình cảm sâu nặng thủy chung đối với những đồng đội đã nằm xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nói đến Hòa Vang, là nói đến một vùng đất đã chịu nhiều đau thương mất mát trong 2 cuộc kháng chiến. Bom tấn, pháo bầy và bao mưu toan đen tối nhất mà kẻ địch đã không ngần ngại gieo xuống mảnh đất này. Những con số lạnh lùng: 899 Bà mẹ VNAH, 6.637 liệt sĩ, 1.050 thương bệnh binh, 746 người bị địch bắt tù đày và 536 người có công cách mạng... đã đủ cho thấy cái giá của một ngày bình yên hôm nay là không có gì sánh nổi. Bây giờ, nhìn theo những hàng bia mộ ở các nghĩa trang, chúng tôi biết rằng có rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh khi tuổi đời chưa quá đôi mươi, độ tuổi đang hừng hực nhựa sống và nhiệt huyết. Các anh đã hiến dâng cả đời mình cho đất nước, đã anh dũng chiến đấu hy sinh. Nhiều anh, quê tận Cao Bằng, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa... xa xôi đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của miền Nam ruột thịt vào công tác, chiến đấu và nằm lại nơi đây. Nhiều anh, không kịp để lại cái tên, năm sinh, quê quán của mình. Các anh đã trở thành những bông hoa, những tượng đài bất tử sống mãi với dân tộc để thế hệ trẻ hôm nay được sống và cống hiến góp phần xây dựng, phát triển quê hương.

Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các hội đoàn thể, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã có nhiều việc làm thiết thực để chăm sóc người có công với nước, tri ân những anh hùng liệt sĩ. "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành phong trào sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Sự tri ân đó xuất phát từ tấm lòng và được thực hiện một cách tự nguyện, từ việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, tu bổ nâng cấp phần mộ, xã hội hóa đúc Đại hồng chung đặt tại nghĩa trang đến chăm sóc mẹ VNAH, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công... "Người dân chúng tôi rất tâm đắc với tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngày kỷ niệm của các ban ngành chỉ tổ chức các năm chẵn để tránh lãng phí, nhưng với Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7) thì không có khái niệm năm lẻ, năm nào cũng phải được tuyên truyền, tổ chức tri ân thiết thực", lão nông Nguyễn Đình Xê (thôn La Bông, xã Hòa Tiến) bộc bạch.

VY HẬU