Thăng trầm nghề làm thuyền thúng

Thứ ba, 07/07/2015 11:28

(Cadn.com.vn) - Những ngày hè tại Đà Nẵng cái nắng như  “ăn cả da mặt” nhưng mỗi lần ngang qua vùng biển Thọ Quang lại nghe tiếng canh cách từ công việc chẻ tre làm thuyền thúng của ông Phan Liêm (tổ 22, P.Thọ Quang, Sơn Trà). Âm thanh ấy vang cả một vùng biển, vô tình thu hút rất nhiều khách du lịch tò mò dừng lại xem. Ông là người duy nhất tại Đà Nẵng còn bám trụ với nghề làm thuyền thúng. “Năm nay đã 70 tuổi nhưng tôi vẫn còn làm công việc này vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình”-ông Liêm chia sẻ.

Cũng theo lời ông Liêm cách đây 30 năm tại đây có hơn 30 hộ làm nghề thuyền thúng, nhưng do công việc nặng nhọc lại không có thu nhập ổn định nên hầu hết đều bỏ nghề để tìm một công việc ổn định hơn. “Ban đầu tôi cũng bỏ làm vì nó vất vả quá, người ta bỏ hết, một mình mình làm thì cũng khó khăn. Lúc đó còn trẻ tôi đi làm thợ nề nhưng rồi chắc do cái nghề nó ăn sâu vào người nên đã quay lại theo nghề thuyền thúng cho đến tận bây giờ”.

Hiện nay ông Liêm và hai con trai vẫn kiên trì bám trụ, nghề làm thuyền thúng đã đem lại thu nhập ổn định cho cả gia đình và trở thành “thương hiệu riêng”của ông Liêm. Khó khăn lớn nhất của công việc này đó là việc mua và vận chuyển tre. “Phải lên tận Hòa Vang mua tre rồi thuê xe chở về, có khi lại vô tận Quảng Nam mới mua được, thời điểm này tre cũng ít nên khó mua”, ông phân trần.

Ông Liêm quét dầu chống thấm nước cho thuyền.

Nghề làm thuyền thúng cũng đòi hỏi sự khéo léo mới có thể cho ra một chiếc thuyền thúng hoàn chỉnh. Tre sau khi mang về sẽ được chẻ thành nan, đem phơi khô rồi mới đan. Sau khi đan thành thuyền hoàn chỉnh sẽ bôi dầu chống thấm nước. Loại dầu này được lấy từ nhựa cây và  cũng do chính ông Liêm lặn lội vào đến những huyện miền núi Quảng Nam đặt hàng trước. Giá trung bình một chiếc thuyền thúng là 2 triệu đồng. “Lúc trước cũng có rất nhiều người ở Duy Xuyên ra đây học nghề nhưng không được bao lâu cũng bỏ vì không ổn định. Đan thuyền thì trời phải nắng, như những ngày này là phải làm hết năng suất, 1 phải bằng 5 vì 1 ngày nắng bằng 5 ngày mưa. Những tháng mưa thì ngồi không mà ngó vì không thể phơi tre với phơi thuyền cho khô dầu được”, ông Liêm cho biết.

Chính nhờ sự kiên trì bám trụ với nghề mà ông Liêm đã thực sự thành công. Những chiếc thuyền thúng của ông không những bán cho những ngư dân trong nước mà còn được xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới như Nhật, Singapore, Đức... Khách du lịch nước ngoài rất thích thú với thuyền thúng, họ đặt hàng mua về để làm du lịch có khi lên đến hàng chục chiếc. Mỗi đoàn du lịch nước ngoài khi đến đây đều được các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về nghề làm thuyền thúng...

Trời vẫn chang chang “đổ lửa”, tiếng chẻ tre của ông Liêm vẫn vang vọng cả một vùng gió biển, công việc ông đang làm đã đem lại cuộc sống đầy đủ cho gia đình nhưng ông vẫn còn rất nhiều trăn trở. Bởi, như lời ông tâm sự: “Sau này chết đi thì chỉ sợ không còn ai nối nghề và cái nghề làm thuyền thúng này sẽ không còn ai biết đến nữa chú à”.

Phi Nông