Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ tư, 06/11/2013 00:14

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-11, các đại biểu (ĐB) Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Qua thảo luận, đa số ý kiến các ĐB đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đánh giá Dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các ĐB cho rằng, Dự thảo đã thể hiện được mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn, những vấn đề có tính nguyên tắc về bản chất của Nhà nước và chế độ ta đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Ông Phan Trung Lý trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Giữ nguyên Điều 4

Mở đầu phiên họp buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ.

Báo cáo nêu rõ: về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4) tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1; quy định rõ cơ chế để thực hiện “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào Điều 4.

Vấn đề này Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết, Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng tiếp tục ghi nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trong toàn bộ Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ có duy nhất Điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam thì không còn lực lượng nào khác được giao trọng trách này. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một đảng lãnh đạo ở Việt Nam. Vì vậy, Ban soạn thảo không bổ sung từ “duy nhất” vào điều này.

Đề nghị giữ một số điều của Chương V

Liên quan đến quy định về Chương V: Quốc hội, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng cơ quan dân cử là nơi phát huy tính đại diện, chủ động, là nơi tiếng nói được thể hiện, được lắng nghe để đi đến sự thống nhất cao trong mỗi chính sách mà Quốc hội ban hành. ĐB cho rằng việc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã hành chính hóa bộ máy của Quốc hội, hạn chế tính đại diện, chủ động, độc lập của các cơ quan Quốc hội.

Trên cơ sở đó, ĐB Phùng Văn Hùng đề nghị không nên quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội mà giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội.

ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội. Theo ĐB cần giữ nguyên Khoản 7 Điều 91 của Hiến pháp hiện hành quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần được đảm bảo vị thế độc lập trong việc thực hiện thẩm tra các dự án Luật.

Khẳng định vai trò của kinh tế Nhà nước

Trong phiên làm việc buổi chiều, hầu hết các ĐB đều tán thành với việc quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng cần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước (KTNN). Các ĐB cho rằng, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và KTNN là rất quan trọng. Việc quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của thành phần này.

Khẳng định, trong những giai đoạn phát triển vừa qua, thành phần KTNN luôn có vai trò chủ đạo, trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) phân tích: KTNN có vai trò đảm bảo cho sự tồn tại của hạ tầng kinh tế, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển. Mặc dù còn những khiếm khuyết trong hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh nhưng không thể coi nhẹ loại hình này và cần tiếp tục tăng cường vai trò của nó trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Góp ý vào nhóm quy định về chế độ kinh tế, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, dự thảo cần viết cụ thể để làm rõ bản chất của nền kinh tế quốc gia: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có định hướng và điều tiết của Nhà nước. Tán thành quy định như trong dự thảo về vai trò chủ đạo của thành phần KTNN, ĐB đề nghị ghi rõ thêm nội dung của KTNN gồm: Ngân sách Nhà nước; dự trữ quốc gia, tài sản quốc gia, tài nguyên quốc gia. Quy định như vậy để dễ hiểu đối với người dân và các nhà đầu tư nước ngoài.

Thu hồi đất phải đảm bảo công bằng và dựa trên lợi ích nhân dân

Góp ý về vấn đề thu hồi đất, các ý kiến cho rằng, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.

ĐB Mã Điền Cư phát biểu ý kiến.

Đồng tình về quan điểm thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nước ta hiện nay, nhưng ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị quy định rõ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quan điểm về chuyển dịch đất đai theo hai hướng: Chuyển dịch đất đai bắt buộc và chuyển dịch tự nguyện. Không nên quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH mà nên giao cho Luật Đất đai quy định. Về nguyên tắc thu hồi đất, cần bổ sung thêm bảo đảm công bằng và dựa trên lợi ích của nhân dân.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Dự thảo nên quy định việc thu hồi đất phải đảm bảo công khai minh bạch, theo quy định của luật thay vì “pháp luật” vì cho rằng, trong tương lai, việc thu hồi đất có thể sẽ không còn dễ dàng nữa vì đất là nguồn tài nguyên hữu hạn. Do đó, trong tương lai, có thể phải xây dựng một bộ luật riêng về đền bù, thu hồi đất đai như một số quốc gia trên thế giới để đảm bảo tính nghiêm minh và tính chính xác của thu hồi đất đai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể là chủ sở hữu đất đai.

Sáng nay (6-11), các ĐB thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – Dự án luật liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, được đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp lần này.

Quang Vũ –  Hồng Cường