Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
(Cadn.com.vn) - Ngày 31-10, các đại biểu thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014; kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015)...
Tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô
Nhiều ý kiến ĐB tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng với sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”.
Bên cạnh việc nhấn mạnh các kết quả đã được, nhiều ĐBQH đi sâu phân tích về những mặt còn hạn chế, yếu kém. Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%). Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm. Cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển...
Các ý kiến cơ bản tán thành với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH năm 2014-2015, trong đó tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân...
Đổi mới đầu tư cho các dịch vụ y tế
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế tài chính đầu tư trong lĩnh vực y tế theo hướng lấy người dân làm trung tâm; đồng thời có chính sách đa dạng hóa dịch vụ y tế để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp trong xã hội, thu hút các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn cơ sở chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Liên quan đến mức độ tin cậy của các chỉ số thống kê, theo đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến tính xác thực của các chỉ số này chính là “bệnh thành tích”. Hậu quả của việc công bố số liệu sai thực tế sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách phát triển KT-XH của đất nước. ĐB Thủy kiến nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cơ quan, tổ chức cung cấp số liệu không chính xác và có chế tài xử lý, ngăn chặn.
Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đánh giá thành công nổi bật nhất của năm 2013 là kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, kiểm soát được lạm phát... Tuy nhiên, nền kinh tế có phục hồi tuy chậm và kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng niềm tin thị trường chưa phục hồi. Thể hiện sự tán thành cao với phương hướng, nhiệm vụ Chính phủ đề ra trong năm 2014, đặc biệt là hai chỉ số quan trọng: tăng trưởng GDP khoảng 6% và lạm phát mục tiêu là khoảng 7%, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh sự đồng tình với việc chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát mục tiêu.
Thống nhất với quan điểm không nóng vội thúc đẩy tăng trưởng để gây lại lạm phát không cần thiết, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, cần thực hiện hai nhóm vấn đề: về chính sách tiền tệ cố gắng xử lý chính sách linh hoạt, mức tăng tín dụng ở khoảng 14%, 18% trong năm 2014, 2015 và tiếp tục nâng lĩnh vực ưu tiên như ngân hàng đã làm. ĐB kiến nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp vướng nợ nhưng có điều kiện làm ăn trả nợ được vay vốn để tiếp tục sản xuất. Về chính sách tài khóa, trên cơ sở tán thành với các chính sách đang được áp dụng, đại biểu nhấn mạnh tới việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả...
Quan tâm đầu tư “tam nông”
ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang đứng trước thách thức lớn, làm ảnh hưởng đến an ninh nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giảm từ 3,3% năm 2010 xuống còn 2,8% năm 2013. Thực tế hiện nay khả năng tái sản xuất của nông dân giảm, giá nông sản tăng cao, sức mua thấp, nông dân bỏ hoang đất canh tác xảy ra nhiều...
ĐB đề nghị Chính phủ, QH quan tâm tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; có chính sách khuyến khích nông dân tâm huyết với đồng ruộng, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào các chính sách, cơ chế tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất, đảm bảo chính sách giá cả hợp lý... Báo cáo và giải thích thêm về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nguyên nhân chính là do nguồn lực quan trọng của nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, trong đó quan trọng nhất là diện tích đất nông nghiệp, đất lúa giảm; đầu tư của Nhà nước và xã hội vào nông nghiệp tăng chậm. Tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu là tăng năng suất, nhưng lại giảm trừ cho phần mất đi do giảm diện tích, đặc biệt là do hậu quả từ thiên tai.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đang cùng với các địa phương, các bộ, ngành liên quan để triển khai. Trong đó, nhiệm vụ chính là rà soát lại quy hoạch, xem xét lại cơ cấu ngành nghề, tập trung nhiều hơn phát triển các loại cây, con có khả năng tăng nhanh giá trị gia tăng. Mặt khác, phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, điều chỉnh chính sách, kế hoạch và tổ chức nghiên cứu lại công tác khuyến nông cũng như cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh việc phát triển các hình thức liên kết và chấn chỉnh hiệu quả quản lý Nhà nước.
Hôm nay, 1-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về KT-XH.
Hữu Hoa - TTXVN
Tập trung cải cách giá cả và tiền lương ĐB Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nhận định, do tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, xã hội đang có nhiều vấn đề phức tạp nên cần phải chọn lộ trình đột phá và lan tỏa để thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế giá cả. Căn cứ vào sự bức xúc xã hội, logic kinh tế và điều kiện thực thi, ĐB đề nghị trước hết, cần xóa bỏ chế độ “trần lãi suất” và “trần huy động”, chuyển hệ thống lãi suất sang cơ chế lãi suất thị trường.
Kèm theo đó, chú ý nới dần tỷ giá theo hướng giảm giá đồng Việt Nam để thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch “giá cả đối nội” và “giá cả đối ngoại” của đồng tiền Việt Nam. Tập trung đột phá để cải cách giá điện, coi đây là ưu tiên hàng đầu. Từ giá điện sẽ lan sang giá than và giá xăng dầu. Cấu trúc giá mới này sẽ bắt buộc phải tiến hành cải cách hệ thống tiền lương trong khu vực Nhà nước, nhờ đó, tạo cơ sở quyết định để đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước. Đề nghị ngân hàng Nhà nước đánh giá kết quả 5 lĩnh vực ưu tiên cung cấp tín dụng, đặc biệt cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đề nghị mở rộng tín dụng ưu tiên đối với một số ngành công nghiệp như cơ khí, điện tử viễn thông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất công nghiệp hỗ trợ; các doanh nghiệp xây dựng đang thực hiện chương trình nhà ở xã hội. Đánh giá khả năng tăng dư nợ tín dụng 12% năm nay và mức tăng cao hơn trong năm 2014. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Quỹ bảo lãnh tín dụng Trung ương phối hợp địa phương kết nối với hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện Chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị kinh tế tập thể về nguồn tín dụng để duy trì và mở rộng sản xuất; đặc biệt là nguồn vốn lưu động đang cần để sản xuất hàng xuất khẩu, thu mua chế biến nông - lâm - thủy - hải sản. Đồng thời, ĐB đề nghị cải cách sâu rộng và toàn diện đối với lĩnh vực nông nghiệp. Cần triển khai một giai đoạn cải cách mới vì những cải cách của giai đoạn vừa qua đã gần đạt tới điểm giới hạn. Xem xét lại toàn bộ quy hoạch cơ cấu nông nghiệp vùng, miền, nhất là bài học về phát triển cây cao su ở Bắc Trung Bộ. Có như vậy, lòng dân mới yên, kinh tế mới có nền tảng thị trường đúng để phát triển bền vững. |