Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII:

Tình trạng nợ văn bản rất nghiêm trọng

Thứ hai, 04/11/2013 13:19

(Cadn.com.vn) - Chiều 2-11-2013, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, trong tổng số 37 luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến hết tháng 7-2013 đã có hiệu lực thi hành thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới ban hành được 98/200 văn bản, đạt tỷ lệ 49%, đã quy định chi tiết 148/280 nội dung được giao; còn lại 102/200 văn bản quy định chi tiết 132/280 nội dung chưa được ban hành. Như vậy, có thể thấy tình trạng nợ văn bản rất nghiêm trọng, làm cho các luật, nghị quyết, pháp lệnh không đi vào cuộc sống; tạo khoảng trống pháp lý, gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước, người dân và dẫn đến nhiều hệ quả khác trong việc thực hiện các nhiệm vụ của đất nước.

ĐBQH NGUYỄN BÁ THANH:

Lãng phí lớn nhất là khi luật ban hành rồi nhưng ở cơ sở không áp dụng được

Tại buổi thảo luận, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) nhận xét: Lãng phí lớn nhất là khi luật ban hành rồi nhưng ở cơ sở không áp dụng được. Hiện nay, có trường hợp tử tù chờ đợi nhiều năm nhưng chưa được thi hành án. ĐB đề nghị Quốc hội nên ra nghị quyết cho phép thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. Còn việc nghiên cứu tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc thì vẫn tiến hành. ĐB đề nghị các Ủy ban Quốc hội giám sát vấn đề này, đưa ra Quốc hội thảo luận rồi ban hành Nghị quyết để thực hiện.

ĐB Huỳnh Nghĩa thống nhất kiến nghị của Chính phủ và Ủy ban pháp luật, đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết chuyên đề về việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đồng thời, cần phải báo cáo cụ thể danh sách bộ ngành nào làm tốt; bộ ngành nào làm không tốt; bộ, ngành nào nợ bao nhiêu văn bản cần công bố cụ thể tại phiên họp của Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

Theo ĐB thì chỉ có Thanh tra Chính phủ là không nợ văn bản hướng dẫn chi tiết, còn lại có khá nhiều bộ, ngành nợ văn bản hướng dẫn, đề nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo, có hướng xử lý sớm, bao gồm: Bộ Giáo dục đào tạo (nợ 19 văn bản); Lao động, Thương binh và xã hội (17 văn bản); Khoa học công nghệ (15 văn bản); Tài nguyên môi trường (14 văn bản); Công Thương (14 văn bản)...

Đây là các bộ, ngành mà thời gian qua cử tri có nhiều ý kiến phản ảnh liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ cơ chế, chính sách mà luật, pháp lệnh đã quy định nhưng văn bản hướng dẫn thi hành chưa đầy đủ.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh của Quốc hội; ĐB đề nghị trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo cũng như các Ủy ban trực tiếp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh phải hạn chế đến mức thấp nhất các nội dung giao cho Chính phủ, bộ, ngành hướng dẫn chi tiết thi hành. Những nội dung gì đã rõ và thực tế chứng minh là phù hợp, rõ ràng rồi thì nên đưa thẳng vào luật. Làm được như vậy thì luật, nghị quyết Quốc hội sẽ sớm đi vào thực tế cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật dẫn đến có trường hợp khi áp dụng luật thì một số đối tượng thụ hưởng chính sách đã mất, nên thân nhân nhận truy lĩnh và chính điều này làm mất đi ý nghĩa trong thực hiện chính sách của Nhà nước. ĐB đề nghị tăng cường chức năng giám sát tình hình triển khai thi hành văn bản.

Ngoài ra, theo ĐB thì khâu yếu trong việc ban hành văn bản hướng dẫn là việc đánh giá tác động, khảo sát, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; khâu thẩm định thực hiện sao cho tránh trường hợp văn bản không phù hợp thực tế như Thông tư số 24 ngày 4-7-2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ sung nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. ĐB đánh giá cao việc Bộ GDĐT đã ban hành thông tư bãi bỏ sau 12 ngày. Theo ĐB thì sai sót là vấn đề khó tránh khỏi nhưng quan trọng là thấy sai phải sửa, và cần sửa kịp thời.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật diễn ra ở nhiều khóa Quốc hội. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành báo cáo nội dung này từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay. Nguyên nhân sâu xa là bắt nguồn từ việc Quốc hội biểu quyết thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, dẫn đến sức ép phải thực hiện theo chương trình đó.

Hữu Hoa