Tháp đôi Liễu Cốc: Di tích lịch sử quốc gia bị bỏ hoang

Thứ năm, 14/04/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Năm 1997, Tháp đôi Liễu Cốc (đặc trưng của văn hóa Chămpa, ước khoảng 1.000 năm tuổi) tại thôn Bàu Tháp (Hương Xuân, Hương Trà, TT-Huế) được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia cần được bảo tồn. Tuy nhiên, hiện nay di tích đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ “xóa sổ” khi chính quyền địa phương và các ngành chức năng thiếu sự quan tâm.

Nguy cơ “xóa sổ” di tích

Tháp đôi Liễu Cốc được xây dựng trên một triền dốc tự nhiên bằng gạch gốm nung theo phương pháp đặc thù không có vữa gắn. Theo các nhà chuyên môn, đây là công trình kiến trúc được tồn tại ở tình trạng tốt nhất so với tất cả các ngôi tháp khác được biết đến từ bắc Mỹ Sơn trở ra. Qua kỹ thuật xây dựng, kiến trúc của tháp có thể xác định niên đại vào khoảng thế kỷ thứ IX. Theo tài liệu sử sách năm 1926, Tháp đôi Liễu Cốc đã được Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu đánh giá là một trong số các di tích được xếp hạng trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1997, Bộ VH&TT công nhận là Di tích cấp Quốc gia, nhưng sau gần 15 năm được công nhận di tích này dường như đã bị bỏ hoang.

 Những cây cổ thụ mọc ngay trên thân tháp làm gạch dần dần bị rệu rã.

Để đến với Tháp đôi Liễu Cốc, chúng tôi phải xin đi nhờ nhà người dân băng qua khu vườn nhếch nhác, lầy lội và ô nhiễm vì cho đến nay vẫn chưa có đường vào di tích. Anh Phan Văn Tịnh - cán bộ văn hóa thông tin xã Hương Xuân - người dẫn đường cho chúng tôi than: “Không hiểu vì răng, đến chừ Di tích vẫn chưa được khoanh vùng, cắm mốc, chưa mở được đường vào”.  Chị Lê Thị Thu (người dân ở gần tháp) cho biết: “Ngày trước tháp đôi này rất đẹp và linh thiêng, sau chiến tranh không ai để ý đến nên mới dần bị hư hại. Cách đây vài năm, cũng có vài đoàn khách du lịch đến tháp này tham quan, tìm hiểu, nhưng không có đường vào tháp  nên thời gian gần đây ít khi thấy khách đến...”.

Theo quan sát của chúng tôi, Tháp đôi Liễu Cốc hiện chỉ còn những viên gạch từ 2 đỉnh tháp. Bên bức tường còn sót lại mọc lên những cây dại khoảng 2-5 năm tuổi. Rễ cây chọc thủng và móc vào từng viên gạch làm rạn nứt, khiến toàn bộ chân tháp cũng rệu rã. Xung quanh tháp đôi Liễu Cốc đặt những bình sứ do người dân hay du khách thấy chạnh lòng mang đến để thắp vài nén hương. Người dân địa phương cho biết, trước đây, vùng đất này do Bà Chúa Tháp cai trị rất thiêng liêng, đến thời Vua Thành Thái, họ Nguyễn Văn đã xây lên một cái miếu để thờ Bà Chúa Tháp và bảo vệ tháp khỏi sự xâm phạm. Cũng vì thế mà người dân nơi đây thường gọi là  “Miếu bà cô xóm Tháp”.

Năm 1994 (khi Tháp chưa được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia), Sở VH&TT đã có tờ trình cho rằng: Tháp đôi Liễu Cốc bị hư hại khá nghiêm trọng, thời gian, chiến tranh đã ảnh hưởng lớn đến tính nguyên gốc của nó. Do đó cần phải có chính sách, đặc biệt là chính sách kinh tế nhằm cứu vãn cổ Tháp Liễu Cốc. Tờ trình cũng nói rằng: sau khi di tích được công nhận sẽ có 1 đề án hoàn thiện xin đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích này. Sẽ xây dựng cổ Tháp thành 1 điểm tham quan có ý nghĩa khoa học, lịch sử, văn hóa cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau 15 năm được công nhận, di tích này đang dần bị xóa sổ.

... Vì thiếu kinh phí?

Qua lịch sử và khảo tả kết luận Tháp đôi Liễu Cốc có giá trị về mặt khoa học, lịch sử kiến trúc. Nó đánh dấu một thời kỳ phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, của dân tộc Chăm nói riêng,  xứng đáng là điểm thú vị cho du khách quan tâm đến văn hóa, lịch sử Chămpa. 

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan tiếc nuối: “Là một bộ phận văn hóa khá rực rỡ mà hiện nay nó không còn bao nhiêu nữa. Cho nên chỉ cần nó hiện diện ra một bộ phận thôi còn hơn là sau này nó sẽ mất dấu vết. Năm 1979, tôi đã từng đến Tháp đôi Liễu Cốc, lúc đó tháp còn nguyên vẹn. Những viên gạch đá xây dựng rất đặc trưng của tâm hồn Chămpa, cách xây gạch rất độc đáo, toát lên vẻ đẹp của một nền văn hóa lớn”. Cũng theo ông Hồ Tấn Phan, đầu thế kỷ XX, người Pháp làm những di tích về Chămpa rất kỹ có trình độ và kỹ thuật rất cao, ngoài ảnh chụp ra họ còn có các bản vẽ. Giờ bị hư hại hóa ra đây là tư liệu độc nhất để khôi phục lại. Bên cạnh đó họ cũng có cách bảo vệ các di tích rất cẩn thận, không phải đổ ra một đống tiền như mình mà vẫn không bảo vệ được. Từ năm 1997 Tháp đôi Liễu Cốc đã bị hư hại, bên trong tháp còn lưu giữ một đoạn vòm cuốn gạch ở đỉnh tháp, sau một thời gian dài bị bỏ quên hiện Tháp đôi Liễu Cốc dường như bị san phẳng.

 Anh Phan Văn Tịnh cho biết: “Do không có kinh phí để phục hồi cũng như bảo vệ, cho nên Tháp đôi Liễu Cốc ngày càng hư hỏng nghiêm trọng. Hiện chúng tôi đang làm báo cáo lên cấp trên để có phương án bảo tồn...”. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Phòng Di sản cũng có ý kiến tương tự: “Do không có kinh phí nên việc đầu tư, khôi phục Tháp đôi Liễu Cốc gặp rất nhiều khó khăn”. Bà Hà cho biết thêm: cơ quan chức năng đã nhiều lần trao đổi trực tiếp với chính quyền địa phương đầu tư xây dựng con đường vào nhưng hiện vẫn chưa được triển khai. Còn theo chính quyền địa phương, thì ngân sách xã không có nên không thể đầu tư.

Khi chúng tôi đề cập đến thực trạng Tháp đôi Liễu Cốc có nguy cơ “xóa sổ” vì thiếu sự quan tâm, đầu tư, bà Hà cho rằng: thường 5 năm, các ngành chức năng rà soát 1 lần và những di tích nào không phát huy hiệu quả thì đưa ra khỏi danh sách DI tích cấp Quốc gia(?!).

Hải Lan