Thấp thỏm đón mưa lũ

Thứ năm, 06/11/2014 09:57

(Cadn.com.vn) - Dù đã được UBND huyện đầu tư xây dựng mặt bằng khang trang, nhưng do không có kinh phí để làm nhà, hơn 50 hộ dân của thôn Trà Văn A (xã Phước Kim, H. Phước Sơn, Quảng Nam) vẫn chưa thể di dời đến nơi ở mới. Trong khi đó, hầu hết nhà cửa của những hộ này đã xuống cấp.

Mặt bằng mới thôn Trà Văn A đã được xây dựng khang trang,
tuy nhiên chỉ có vài hộ dân đến dựng nhà để ở.

Thôn Trà Văn A nằm bên dòng suối Trà Văn. Để qua được thôn, chúng tôi phải đi trên cây cầu treo độc đạo đã xuống cấp. Chính trên cây cầu này, vào tháng 2-2014, cháu Hồ Văn Tuấn (3 tuổi) một mình đi qua cầu đã trượt chân rơi xuống suối ở độ cao hơn 5 mét. Tuy nhiên, rất may cháu Tuấn không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Qua khỏi cầu, hơn 50 hộ dân với những ngôi nhà xập xệ, sống chen chúc nhau trong một khu đất nhỏ ven triền suối. Đứng tựa lưng vào cây cột nhà mục ruỗng, xiêu vẹo, ông Hồ Văn Tới thở dài: “Dân làng mình bao đời nay làm có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, không biết để dành nên giờ nhà sắp sập rồi mà không có tiền dựng nhà mới. Chờ nhà nước hỗ trợ thì bảo chưa có kinh phí. Không biết nhà này có chịu được qua mùa mưa ni không”. Cũng trong tình cảnh tương tự, chỉ 9 cột nhà đang trong tình trạng lắt lay như “răng rụng”, ông Hồ Văn Phiêu kể lể: “Nhà nước đã đầu tư mặt bằng rồi, mình rất mong muốn được về khu ở mới, chứ giờ sống thấp thỏm quanh triền suối này nguy hiểm quá. Nhưng dù có muốn thì cũng không thể đi bởi tiền đâu có mà di dời. Nhà cửa thì dột nát hết, nếu đưa nguyên sườn nhà này qua đó dựng lại thì không được, vì nó không còn nguyên vẹn”.

Những ngôi nhà ở thôn Trà Văn A có thể sập bất cứ lúc nào.

Được biết, do điều kiện khu ở cũ của người dân thôn Trà Văn A không đảm bảo, H.  Phước Sơn đã chủ trương san ủi một mặt bằng mới với đầy đủ điện, đường, nguồn nước sinh hoạt. Thế nhưng dù mặt bằng đã xong từ đầu năm nay, nhưng người dân lại chưa thể về khu ở mới do họ không có đủ kinh phí để dựng lại nhà mới. “Sau khi việc san ủi mặt bằng mới đã hoàn thành, địa phương đã tiến hành phân chia, bố trí đất để bà con dựng nhà mới. Tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là thiếu kinh phí để hỗ trợ ban đầu cho người dân về làng mới. Chính quyền xã đã vận động lực lượng thanh niên tại chỗ và một số đoàn thanh niên tình nguyện của các thôn khác giúp người dân vận chuyển nhà về nơi ở mới. Thế nhưng trên thực tế thì chỉ di dời được một số hộ, còn lại hầu hết nhà của người dân ở đây đã bị xuống cấp nên không di dời được. Kinh phí hỗ trợ thì huyện nói chưa có, còn xã thì ngoài khả năng. Hiện tại, đời sống bà con nơi đây khá chật vật”, ông Vũ Đình Cuối, Bí thư Đảng ủy xã Phước Kim trăn trở.

Do nhà đã mục nát, một số hộ dân đã chuyển nhà lên khu ở mới nhưng cũng không thể ở do nhà cũ xuống cấp, họ phải trở về làng cũ sống tạm bợ ở nhờ nhà dân khác. “Lên khu ở mới nhưng buồn lắm. Giờ chỉ có vài nhà ở đây, còn lại người dân trở về làng cũ. Gỗ xin làm nhà thì nhà nước sẽ cho, nhưng tiền không có để thuê người cưa xẻ, dựng nhà. Dân mình ở đây còn nghèo nên khổ lắm”, chị Hồ Thị Phay, người dân mới chuyển lên khu ở mới cho biết.

Ông Hồ Văn Tới bên ngôi nhà xiêu vẹo.

Trước tình hình trên, ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho biết, những năm gần đây huyện đã có chủ trương xây dựng mặt bằng mới cho những khu dân cư có nguy cơ sạt lở, đây là việc làm cần thiết. Hiện tại, huyện có 7 khu giãn cư, tuy nhiên thực trạng chung là hầu hết hộ nằm trong diện di dời này thiếu nguồn kinh phí để chuyển nhà. Trước thực trạng đó, huyện đã tính toán để hỗ trợ các hộ này, tuy nhiên cũng chỉ khắc phục được một phần, bởi nguồn thu ngân sách của huyện năm nay gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt do Cty Vàng Phước Sơn nợ thuế. Huyện đã xin kinh phí từ tỉnh, nhưng trước mắt UBND tỉnh mới có hỗ trợ cho 30 hộ dân di dời của xã Phước Lộc. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục có báo cáo với tỉnh để xin hỗ trợ, giúp các hộ dân còn lại ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão này.

Bão Bình