Thế giới nỗ lực xua tan "bóng ma" Thế chiến III

Thứ sáu, 18/03/2022 20:15

Bất chấp lời kêu gọi của người đồng cấp Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ nguyên quan điểm không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine do lo ngại điều này có thể dẫn đến chiến tranh quy mô lớn với Nga.

Các phương tiện bị phá hủy ở Kharkov, Ukraine. Ảnh: Reuters

Mỹ khẳng định không lập vùng cấm bay

Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn không thay đổi quan điểm trước lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky về việc thiết lập vùng cấm bay khi cho rằng hành động đó sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra cuộc chiến quy mô lớn hơn với Nga.

Trả lời báo giới ngày 17-3, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay: "Như chúng tôi đã nói trước đây, việc thiết lập vùng cấm bay sẽ cần các hành động thực thi. Khi đó, chúng tôi có thể sẽ phải bắn hạ máy bay Nga, NATO có thể sẽ phải bắn hạ máy bay của nước này. Chúng tôi không muốn tham gia Thế chiến III". Bà Psaki đưa ra tuyên bố trên khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có thay đổi quan điểm về việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine hay không sau khi Tổng thống Zelensky một lần nữa nêu vấn đề này trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ hôm 16-3.

Bà Psaki cho hay Tổng thống Biden đã theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Zelensky trước Quốc hội Mỹ và đánh giá bài phát biểu này "đầy nhiệt huyết và mạnh mẽ" nhưng nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra quyết định "qua lăng kính an ninh quốc gia của chúng tôi". Tổng thống Biden hôm 16-3 cũng đã công bố khoản viện trợ bổ sung 800 triệu USD cho Ukraine nhưng không cung cấp máy bay quân sự hoặc thay đổi lập trường về vùng cấm bay. Trong khi một số chính trị gia Mỹ kêu gọi phản ứng tích cực hơn đối với cuộc khủng hoảng Ukraine thì các nhà lập pháp như Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mike Braun và Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Emanuel Cleaver cảnh báo sau bài phát biểu của ông Zelensky rằng leo thang xung đột có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh Nga-Mỹ hoặc chiến tranh toàn cầu.

Tín hiệu thắp hy vọng hạ nhiệt

Những tuyên bố thỏa hiệp từ cả Nga và Ukraine đã làm dấy lên hy vọng về một bước đột phá trong đàm phán hòa bình sau 3 tuần chiến sự.

Hãng tin Financial Times hôm 16-3 đưa tin, Ukraine và Nga đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc xây dựng thỏa thuận hòa bình dự kiến gồm 15 điểm. Financial Times dẫn nguồn tin từ 5 người tham gia các cuộc đàm phán cho biết, thỏa thuận bao gồm một lệnh ngừng bắn và quyết định rút quân của Nga, nếu Ukraine tuyên bố trung lập và chấp nhận các giới hạn đặt ra đối với lực lượng vũ trang nước này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Psekov cho biết hiện vẫn còn quá sớm để tiết lộ bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev. Tuy vậy, một tín hiệu khả quan là hai nước vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại, dù không đạt được kết quả đột phá sau 4 cuộc đàm phán.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định các cuộc đàm phán với Nga đang trở nên "thực tế hơn" và có những triển vọng tích cực, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng các đề xuất đang được thảo luận hiện "gần đi đến một thỏa thuận". Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow đã sẵn sàng thảo luận về quy chế trung lập đối với Ukraine, nhưng vẫn sẽ đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự mà theo ông mô tả là đang diễn ra "theo đúng kế hoạch". Ông Putin cũng cảnh báo phương Tây đang kích động xung đột dân sự ở Nga và kêu gọi người Nga tố giác những "kẻ phản bội".

Vào ngày thứ 21 của chiến dịch quân sự, các lực lượng Nga vẫn tiếp tục không kích các thành phố bị bao vây ở Ukraine. Trong khi đó, quân đội Nga hiện vẫn "án binh bất động" ở các cửa ngõ của thủ đô Kiev. Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky hôm 1603 cho biết "Ukraine đang đề xuất mô hình quốc gia phi quân sự trung lập, tương tự Áo hoặc Thụy Điển, nhưng vẫn sở hữu lực lượng lục quân và hải quân". Nga nhiều lần tuyên bố muốn Ukraine trở thành quốc gia trung lập và không gia nhập khối NATO, do vậy Điện Kremlin coi ý tưởng này là tín hiệu của sự "thỏa hiệp".

Giới chức Ukraine trước đó cho biết, nước này sẵn sàng thảo luận với Nga về việc duy trì trạng thái trung lập. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky đề nghị Kiev phải nhận được "sự đảm bảo an ninh" từ Nga và phương Tây. "Tình trạng trung lập đang được thảo luận nghiêm túc cùng với các đảm bảo về an ninh", Ngoại trưởng Nga nêu rõ. Hôm 15-3, Tổng thống Zelensky 3 tuyên bố Ukraine sẽ không gia nhập NATO và đây là một thực tế mà người dân Ukraine phải chấp nhận.

Tổng thống Putin: Nga sẽ sớm tăng phúc lợi xã hội để hỗ trợ người dân

Khai mạc cuộc họp ngày 16-3 (giờ địa phương) về vấn đề hỗ trợ kinh tế-xã hội cho các thực thể cấu thành của Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết chính phủ nước này sẽ sớm tăng lương tối thiểu, mức sống tối thiểu, lương nhân viên nhà nước, cũng như tất cả các phúc lợi xã hội, kể cả lương hưu.

Tổng thống Putin nói: "Tôi hiểu giá cả tăng cao đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta sẽ đưa ra quyết định tăng tất cả các phúc lợi xã hội, kể cả trợ cấp và lương hưu. Chúng ta sẽ tăng lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, cũng như tăng lương trong khu vực công". Tổng thống Putin cho biết ông đã chỉ thị cho chính phủ tính toán các mức tăng chính xác. Tổng thống nói thêm rằng "ngay cả trong tình hình khó khăn hiện nay, đến cuối năm, chúng ta cần đạt mức giảm nghèo và bất bình đẳng. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn có thể đạt được ngay cả ở thời điểm hiện nay".

KHẢ ANH