Thế giới tiễn biệt cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan
Ông Kofi Annan là người Châu Phi da màu đầu tiên được bầu chọn vào chiếc ghế Tổng thư ký LHQ và giành được giải Nobel Hòa bình vào năm 2001 vì những công việc nhân đạo của mình trên cương vị này.
Khắp nơi, từ quê hương Châu Phi của ông đến Châu Mỹ và Châu Âu, các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới ngày 19-8 bày tỏ tiếc thương sau khi cựu Tổng thư ký LHQ, nhân vật từng được mệnh danh là “ngôi sao ngoại giao” Kofi Annan qua đời ở tuổi 80.
Năm 2001, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan (phải) nhận giải Nobel Hòa bình cùng với tổ chức LHQ. Ảnh: AFP |
Ghana để quốc tang trong 1 tuần
Ông Kofi Annan, một công dân Ghana, qua đời vào sáng 18-8. Trên tài khoản Twitter chính thức của Tổ chức Di trú LHQ (IOM), cơ quan này xác nhận thông tin trên. Theo các nguồn tin, ông Annan đã qua đời ở Thụy Sĩ, nơi ông nhận được sự chăm sóc y tế đặc biệt. Gia đình cũng xác nhận, ông Annan qua đời vào sáng 18-8 sau thời gian chống chọi bệnh. “Cựu Tổng thư ký LHQ Annan, sống tại khu vực gần trụ sở LHQ tại Geneva, qua đời tại bệnh viện trong khu vực nói tiếng Đức của đất nước”, hãng tin ATS của Thụy Sĩ đưa tin.
Ngay sau đó, đương kim Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả người tiền nhiệm của ông là “nhà lãnh đạo giỏi”. “Theo nhiều cách, ông Kofi Annan chính là LHQ”, ông nói. Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo tuyên bố để quốc tang trong 1 tuần tưởng nhớ ông Annan, nhân vật mà ông gọi là “một trong những đồng bào vĩ đại nhất của chúng tôi”. Tổng thống Addo ca ngợi ông Annan là nhà ngoại giao xuất chúng và đem lại niềm tự hào cho Ghana. “Ông Annan chèo lái tổ chức LHQ này với một chương trình đầy tham vọng, giúp nâng cao vai trò của tổ chức và giúp LHQ thực sự trở thành một nhân tố không thể thiếu cho hòa bình, thịnh vượng trên toàn thế giới”, người kế nhiệm ông Annan làm Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon, cho biết trong một tuyên bố hôm 19-8.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin gửi thông điệp đến Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, chia buồn sâu sắc về sự ra đi của ông Annan. “Điều đặc biệt là những đóng góp của ông Annan giúp xây dựng nền hòa bình và giải quyết xung đột tại một số khu vực trên thế giới. Hình ảnh của ông sẽ mãi mãi trong trái tim người Nga”, nội dung bức điện nêu rõ. Tại Anh, Thủ tướng Theresa May bày tỏ, bà rất buồn khi nghe tin ông Annanqua đời. Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đưa ra bình luận gì, nhưng đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ca ngợi ông Annan “đã làm việc không mệt mỏi để đoàn kết chúng ta và không bao giờ ngừng đấu tranh cho quyền của mọi người”. Cựu Tổng thống Barack Obama trước đó cho biết, ông Annan đã “thể hiện sứ mệnh của LHQ”. Trong một tuyên bố khác, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết: “Ông Annan là một Tổng thư ký LHQ thực sự vĩ đại”.
Ngôi sao ngoại giao quốc tế
Sinh ra ở Kumasi, thủ phủ vùng Ashanti của Ghana, ông Annan cống hiến 4 thập kỷ trong cuộc đời làm việc cho LHQ và là người có công đem đến sự hồi sinh và sức sống mới cho cơ quan quyền lực nhất thế giới này.
Từ năm 1962, ông bắt đầu tham gia bộ máy điều hành LHQ với cương vị nhân viên hành chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva. Năm 1993, ông đảm nhận chức vụ đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình - một vị trí mà ông nắm giữ trải dài qua hai chương đen tối nhất của LHQ: cuộc diệt chủng Rwanda và cuộc chiến Bosnia. Ông Annan từng bị chỉ trích vì thất bại trong việc chấm dứt nạn diệt chủng ở Rwanda. Theo ước tính, 800.000 người thiệt mạng sau thảm họa trên vì các lãnh đạo thế giới do dự trong việc gửi quân viện trợ. Ông Annan sau đó thừa nhận thiếu sót, gọi đó là “ký ức đau đớn”.
Và sau đó, kể từ khi lên nhậm chức Tổng thư ký LHQ, ông Annan nỗ lực trong cuộc chiến bảo vệ nhân quyền và luôn thúc giục các cơ quan của LHQ bảo vệ người dân. Năm 2001, khi thế giới quay cuồng với cuộc tấn công khủng bố 11-9 tại Mỹ, ông Annan cùng LHQ nhận giải Nobel Hòa bình vì những cống hiến nhân đạo cho một thế giới tốt hơn và hòa bình hơn”. Cùng năm 2001, ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông với tư cách là lãnh đạo LHQ bị lu mờ bởi một cuộc điều tra năm 2005 nhằm vào ông và con trai trong vụ bê bối đổi dầu lấy thực phẩm.
Một cuộc điều tra sau đó cho thấy, ông Annan không làm gì sai trái trong vụ bê bối trên, nhưng lại phát hiện mối quan hệ của con trai ông với một Cty Thụy Sĩ đã giành được các hợp đồng béo bở trong chương trình đổi dầu lấy thực phẩm. Cựu Tổng thư ký LHQ Annan thừa nhận vụ bê bối là thử thách lớn của mình, không chỉ trên cương vị tổng thư ký, mà còn là một người cha. Thật ra, sóng gió thật ra đã ập đến trước đó khi trong năm 2003 khi Mỹ mở cuộc chiến tranh ở Iraq. Cuộc chiến này đã làm rạn rứt quan hệ thân thiết giữa ông Annan và Mỹ - một trong những bên ủng hộ lớn nhất của ông. Khi đó, ông Annan chỉ trích động thái của Mỹ là bất hợp pháp.
Bất chấp mức tín nhiệm thấp, ông Annan rời vị trí này với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo LHQ nổi tiếng nhất từ trước đến nay, và được coi là “ngôi sao ngoại giao quốc tế”. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 với tư cách lãnh đạo LHQ, ông tiếp tục công việc ngoại giao, đảm nhận vai trò hòa giải cao cấp ở Kenya và Syria, và gần đây dẫn đầu một ủy ban cố vấn tại Myanmar về cuộc khủng hoảng người Rohingya ở bang Rakhine.
KHẢ ANH