Thế giới tranh cãi về mũi tiêm vaccine thứ 3

Thứ bảy, 07/08/2021 12:01

Dù vaccine COVID-19 vẫn là điều xa xỉ với hầu hết các nước nghèo khó hơn, ngày càng nhiều nước giàu đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường thứ 3 cho công dân làm bùng lên những tranh cãi.

Tiêm vaccine Covid-19 cho một người cao tuổi ở Đức. Ảnh: New York Times

Đối mặt với số ca mắc mới tăng vọt do biến thể Delta và khả năng miễn dịch do vaccine Covid-19 tạo ra có thể giảm dần theo thời gian, một số quốc gia đã bắt đầu cho chiến dịch tiêm liều tăng cường thứ 3 bất chấp việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tạm hoãn để ưu tiên vaccine cho các nước nghèo hơn.

Vào ngày 4-8, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước hoãn tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường ít nhất đến cuối tháng 9 để ưu tiên các nước nghèo hơn. “Chúng ta cần một sự đảo ngược ngay lập tức về việc phân phối vaccine. Thay vì tập trung vào các nước thu nhập cao, hiện giờ vaccine phải được ưu tiên cho các nước thu nhập thấp”, ông Tedros nhấn mạnh. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros: “Chúng ta không thể chấp nhận việc các quốc gia đã sử dụng phần lớn nguồn cung vaccine toàn cầu lại tiếp tục sử dụng nhiều hơn, trong khi nhiều người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới chưa được bảo vệ”.

Tuy nhiên, Mỹ và nhiều quốc gia giàu có khác đã phớt lờ hoặc phản đối lời kiến nghị. Mỹ là nước đầu tiên bác bỏ lời kêu gọi của WHO với lý do nước này có thể vừa tiêm tăng cường liều 3 cho người dân ngay sau khi được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê chuẩn, vừa có thể giúp các nước nghèo hơn.  Đức, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng đã công bố kế hoạch tiêm chủng tăng cường. Theo Nature, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Trung Quốc và Nga cũng bắt đầu rục rịch triển khai.

Reuters dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, chính phủ nước này đang nỗ lực triển khai tiêm liều tăng cường cho người cao tuổi và người dễ bị tổn thương từ tháng 9. Tại Đức, Bộ Y tế nước này có kế hoạch tiêm liều tăng cường cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, người già và cư dân ở viện dưỡng lão từ tháng 9. Đức cũng cho biết sẽ đóng góp ít nhất 30 triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn thông qua chương trình COVAX vào cuối năm 2021

Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Israel Naftali Bennett kêu gọi các công dân lớn tuổi tiêm mũi thứ 3 sau khi chính phủ đã khởi động chiến dịch tiêm liều tăng cường từ cuối tháng trước. Thủ tướng Bennett cũng cho rằng, với dân số 9,3 triệu người, Israel chỉ là một quốc gia nhỏ và việc sử dụng vaccine liều tăng cường không thực sự ảnh hưởng đến nguồn cung thế giới.

Theo Our World in Data, đã có 4,32 tỷ liều vaccine được triển khai trên toàn thế giới. Trong đó, 29,4% dân số toàn cầu được tiêm ít nhất một mũi và 15% được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ có 1,1% người dân ở các quốc gia thu nhập thấp được tiêm một liều vaccine. Thực tế là dù vaccine Covid-19 vẫn là điều xa xỉ với hầu hết các nước nghèo khó hơn, ngày càng nhiều nước giàu đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường thứ 3 cho công dân làm bùng lên những tranh cãi.

Không chỉ WHO, nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã cảnh báo không nên vội vàng tiêm liều tăng cường cho đến khi có nhiều dữ liệu hơn về hiệu quả của nó. Các nhà khoa học vẫn bất đồng về việc có nên tiêm liều tăng cường hay không hoặc tiêm vào thời điểm nào. Hướng dẫn mới nhất từ các cơ quan y tế Châu Âu cho biết “còn quá sớm” để kêu gọi tiêm liều vaccine tăng cường này.

KHẢ ANH