Thế giới với hàng loạt các cuộc trưng cầu dân ý

Thứ ba, 22/11/2016 10:18

(Cadn.com.vn) - Các cuộc trưng cầu dân ý đang xảy ra ngày càng nhiều trên toàn thế giới. Từ New Zealand đến Colombia, các chính phủ đang muốn đặt quyền quyết định các vấn đề lớn vào kết quả các thùng phiếu. Việc cử tri Anh đồng ý rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) hồi tháng 6 đã thúc đẩy làn sóng quan tâm đến nền dân chủ trực tiếp và kết quả bất ngờ mà các cuộc trưng cầu dân ý có thể mang lại. Vì sao nhiều nước muốn hỏi ý kiến người dân về các vấn đề quan trọng?

Tại sao có nhiều cuộc trưng cầu?

Theo Tiến sĩ Marco Goldoni, giảng viên cao cấp tại Đại học Glasgow (Anh), điều này xảy ra do "các giới hạn và sự khủng hoảng của nền dân chủ đương đại" mà trong đó các cử tri cảm thấy các nhà lãnh đạo đứng ngoài lề cuộc sống và cảm xúc của họ.

Các cuộc trưng cầu thường được tiến hành khi các chính trị gia thiếu tự tin trong việc quyết định một sự thay đổi lớn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang tìm kiếm sự hỗ trợ cho chiến dịch trấn áp những người ủng hộ phe đối lập để tiến hành bắt giữ hàng chục nghìn người kể từ cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7. Ông Erdogan muốn người dân bỏ phiếu về việc khôi phục hình phạt tử hình, dẫn độ, hủy bỏ các cuộc đàm phán về gia nhập EU, và thay đổi hiến pháp.

Ngoài ra, trưng cầu còn được sử dụng để tạo ra sức mạnh xung quanh một phong trào, chẳng hạn như Đảng Quốc gia Scotland (SNP) muốn đẩy mạnh chiến dịch tách khỏi Anh. Mặc dù người Scotland từng bỏ phiếu phản đối điều này vào năm 2014, SNP luôn sẵn sàng tiến hành cuộc trưng cầu thứ hai bất cứ khi nào.

Ở những nơi khác, trưng cầu được tổ chức để giải quyết những câu hỏi về ý nghĩa lịch sử. Colombia đã tổ chức trưng cầu dân ý về một thỏa thuận hòa bình được mong đợi từ lâu, song kết quả lại không như mong đợi. Tại New Zealand, chính phủ đã chi 17 triệu USD để trưng cầu về việc thay đổi quốc kỳ.

Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland, muốn trưng cầu về nền độc lập của Scotland. Ảnh: BBC

Các trường hợp tiếp theo?

Thủ tướng Italia Matteo Renzi đặt tương lai chính trị của mình vào việc bỏ phiếu vào ngày 4-12 tới. Người dân Italia sẽ quyết định ủng hộ kế hoạch cắt giảm 2/3 số thượng nghị sĩ trong Thượng viện hay không.

Vào ngày 27-11 tới, Thụy Sĩ sẽ trưng cầu đề nghị loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân.

Tại Pháp và Hà Lan, phe cánh hữu cam kết tổ chức trưng cầu nếu giành chiến thắng bầu cử. Lãnh đạo Mặt trận Dân tộc cực hữu của Pháp, Marine Le Pen, đã hứa với cử tri sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017. Tại Hà Lan, ứng viên Geert Wilders của đảng Tự do cực hữu đã đưa ra khẩu hiệu tranh cử "Làm cho Hà Lan lớn mạnh một lần nữa" và hứa hẹn trưng cầu về tư cách thành viên EU của Hà Lan nếu ông được bầu làm Thủ tướng vào tháng 3-2017. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, với lời hứa này, đảng của ông có thể tăng gấp đôi số ghế trong Hạ viện.

Sự hấp dẫn của các cuộc trưng cầu?

Trước cuộc trưng cầu về Brexit tại Anh, ba đảng chính trị chính - Lao động, Bảo thủ và Dân chủ Tự do - đều muốn Anh ở lại Châu Âu, nhưng kết cho thấy, 17,4 triệu người đã phản đối điều này. Vernon Bogdanor, giáo sư nghiên cứu tại Viện Lịch sử Anh đương đại thuộc Đại học Hoàng gia London cho rằng: "Người dân cảm thấy dân chủ gián tiếp khiến sức ảnh hưởng của họ giảm đi. Họ sẽ làm điều ngược lại để thể hiện tầm quan trọng của mình".

Nhà tâm lý học Amanda Hills, giảng viên Đại học Hoàng gia London, cho rằng xu hướng tổ chức các cuộc trưng cầu là cơ hội để các cá nhân tham gia vào chính trị và định hình tương lai của mình.

An Bình
(Theo BBC)