Thiên tai không còn là chuyện “ngoài lề”
(Cadn.com.vn) - Ngày 22-11, tại Hội thảo “Tăng cường quản lý rủi ro thiên tai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” tổ chức ở TPHCM, ông Nguyễn Trí Thành, Giám đốc Quỹ Châu Á cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi những rủi ro do thiên tai gây ra là chuyện “ngoài lề”.
Theo ông Thành, Việt Nam được đánh giá một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Mặt khác, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các quốc gia. Thực tế hiện nay khi thiên tai xảy ra, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, không chỉ bị thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như mất trật tự an ninh xã hội, việc làm, phá vỡ chuỗi cung ứng.
Theo ông Nguyễn Diễn, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tham dự hội thảo, kết quả nghiên cứu được thực hiện tại các tỉnh miền Trung (khảo sát gần 200 doanh nghiệp) cho thấy, đa số các doanh nghiệp vẫn còn thụ động trong các tình huống khẩn cấp do thiên tai. Cụ thể, có tới 67% các doanh nghiệp không có danh sách số điện thoại khẩn cấp khi thiên tai xảy ra; 69% doanh nghiệp không có hệ thống thông tin dự phòng; 92% doanh nghiệp không có kế hoạch báo cáo diễn biến cho cơ quan chức năng, 88% không có dự án giao thông dự phòng.
Lấy dẫn chứng cụ thể ở TPHCM, ông Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết: Chúng ta đang phải đối phó với những yếu tố bất định, không lường trước được của thiên tai như lượng mưa ngày càng tăng, sự gia tăng của mực nước sông, lũ trên các sông lớn, lún mặt đất, nước biển dâng...
Thiệt hại do bão lũ đang có xu hướng tăng lên và khó biết trước; trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần phải thích ứng chủ động thay vì chống chịu, có sự chuẩn bị tốt để giảm nhẹ thiệt hại tối thiểu khi thiên tai xảy ra. Ông Nguyễn Diễn nhấn mạnh: Nếu doanh nghiệp quản lý rủi ro thiên tai tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được người lao động và tài sản doanh nghiệp; bảo vệ được hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ được khách hàng; thực hiện được trách nhiệm đối với xã hội, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp...
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể giảm thiểu nguy cơ bằng nhiều cách, không chỉ bằng giải pháp công trình mà cả phi công trình như có kế hoạch phòng chống rủi ro cho thiên tai lồng ghép với kế hoạch sản xuất và kinh doanh, nắm bắt kiến thức về rủi ro thiên tai, đầu tư kinh phí, đào tạo nhân viên. Doanh nghiệp cũng không nên bi quan về những rủi ro do thiên tai gây ra mà trong bối cảnh đó cũng có những cơ hội như tạo việc làm, ứng dụng công nghệ mới, thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường kết nối cộng đồng...
Mai Danh