Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu “cuộc chiến” sửa đổi hiến pháp

Thứ tư, 11/01/2017 09:25

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Tayyip Erdogan và những người ủng hộ sửa đổi hiến pháp biện luận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần ban lãnh đạo hùng mạnh nhằm ngăn chặn sự trở lại của các chính quyền liên minh mong manh trước đây. Tuy nhiên, phe đối lập lo sợ việc sửa đổi hiến pháp sẽ làm gia tăng chủ nghĩa độc đoán.

Ngày 10-1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ mở màn các cuộc tranh luận về dự thảo hiến pháp mới, nhằm mở rộng thêm quyền hạn cho Tổng thống Tayyip Erdogan và tiến thêm một bước trên con đường hướng đến một tổng thống hành pháp.

Các nghị sĩ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ họp phiên đầu tiên hôm 10-1 thảo luận
về dự thảo hiến pháp mới. Ảnh: AFP

 “Hai thuyền trưởng sẽ làm chìm một con thuyền”

Đảng AKP có kế hoạch hoàn tất cuộc tranh luận về gói sửa đổi này tại Quốc hội trước ngày 24-1. Nếu được Quốc hội thông qua, chính phủ sẽ đưa gói dự luật sửa đổi hiến pháp này ra trưng cầu dân ý để thông qua lần cuối.

Tuy nhiên, theo AFP, dự luật sửa đổi hiến pháp phải trải qua 2 vòng bỏ phiếu tại Quốc hội và phải giành được hơn 330 phiếu ủng hộ trong tổng số 550 phiếu. Kết quả cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho thấy, một số nghị sĩ thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Erdogan và đảng Phong trào dân tộc chủ nghĩa (MHP) đối lập vốn ủng hộ sửa đổi hiến pháp, đã không bỏ phiếu ủng hộ điều này.

Hiến pháp đề xuất dự kiến sẽ có thêm các vị trí phó tổng thống trong khi bãi bỏ văn phòng thủ tướng. Trong bài phát biểu tại phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Binali Yildirim, nhân vật trung thành với ông Erdogan nhấn mạnh: “Sẽ không có thủ tướng. Chúng tôi không điên cuồng vì quyền lực”. Trong tuyên bố nhận được sự hoan nghênh của các nghị sĩ Quốc hội, Thủ tướng Binali Yildirim trả lời cho chọn lựa này rằng: “Hai thuyền trưởng sẽ làm chìm một con thuyền. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nên có một thuyền trưởng”.

Nhiều tranh cãi

Hiến pháp mới, nếu được thông qua, sẽ thay thế các luật cơ bản được lập ra sau cuộc đảo chính quân sự năm 1980.

 Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lần đầu tiên có một tổng thống hành pháp và đầy quyền lực. Tổng thống sẽ được bầu cho nhiệm kỳ 5 năm và phục vụ tối đa 2 nhiệm  kỳ. Nếu không tính thời gian tại nhiệm hiện nay của ông Erdogan, trên lý thuyết, ông có thể nắm quyền đến năm 2029. Theo dự thảo luật này, sẽ không còn nội các chính thức nhưng sẽ có các bộ trưởng, người mà tổng thống có quyền bổ nhiệm và sa thải.

Giới phân tích cho rằng, động thái này là một phần của nỗ lực củng cố và mở rộng quyền lực của Tổng thống Erdogan - nhà lãnh đạo đứng vững mạnh mẽ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng, việc sửa đổi hiến pháp sẽ làm gia tăng chủ nghĩa độc đoán. Bên ngoài tòa nhà Quốc hội, biểu tình nổ ra khi hàng ngàn người xuống đường phản đối sửa đổi hiến pháp. Biểu tình biến thành bạo lực sau khi cảnh sát chống bạo động sử dụng xịt hơi cay vào những người biểu tình. Cảnh sát cũng đã bắn vòi rồng để giải tán người biểu tình. “Chúng tôi không muốn có một hệ thống mà chỉ có một người nắm quyền”, người biểu tình Abdullah Sundal nói đồng thời khẳng định “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để chặn dự thảo này trở thành luật”.

AKP cần hơn 330 phiếu – 3/5 số phiếu trong Quốc hội - để có thể đưa dự luật ra trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, để có được số phiếu cần thiết này, AKP cần sự hỗ trợ của phe đối lập MHP. Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Khả Anh