Thổ Nhĩ Kỳ không “bỏ rơi” Qatar, vì sao?

Thứ hai, 12/06/2017 12:16

(Cadn.com.vn) - Các nhà phân tích cho rằng, các quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ không nhất thiết là chống lại Saudi Arabia hay các nước Arab khác nhưng chắc chắn là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Qatar trong tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay.

Chỉ 2 ngày sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha bảo trợ “các tổ chức khủng bố”, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng phê chuẩn 2 thỏa thuận quân sự quan trọng: một là cho phép triển khai binh sĩ đến căn cứ Al-Rayyan tại Qatar và hai là hợp tác đào tạo quân sự giữa hai nước. Và cũng 2 ngày sau, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vùng Vịnh lan rộng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan phê chuẩn các quyết định này của Quốc hội.

Vậy lý do thật sự để Ankara quyết định như vậy là gì?

Saudi Arabia và các nước đồng minh Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, kể cả đường hàng không, đường biển và đường bộ. Ảnh: AFP

Chứng tỏ sức mạnh quân sự

Al-Rayyan là căn cứ đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại một quốc gia ở Trung Đông, như một phần của thỏa thuận ký kết vào năm 2014. Căn cứ, có khả năng chứa đến 5.000 quân, hiện có 200 lính Thổ Nhĩ Kỳ.

“Căn cứ quân sự ở Qatar là tài sản cho thấy quyền lực quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara luôn coi Doha là đồng minh chiến lược quan trọng trong khu vực, và họ đang sử dụng cơ sở này để chứng minh quan điểm này”, chuyên gia Kasapoglu cho biết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là không nên xem quyết định triển khai quân đội đến Qatar của Thổ Nhĩ Kỳ như là “lựa chọn một mặt” trong cuộc chiến đã làm rung chuyển Vùng Vịnh. “Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar luôn mang ý nghĩa tượng trưng”, Atilla Yesilada, một nhà phân tích chính trị ở Istanbul cho biết.

Iran điều 5 máy bay chở thực phẩm đến Qatar

Ngày 11-6, người phát ngôn hãng hàng không Iran Air, Shahrokh Noushabadi cho biết, nước này đã điều 5 máy bay chở các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu đến Qatar, nhiều ngày sau khi các nước vùng Vịnh cắt đứt các mối liên kết hàng không và vận tải đối với quốc gia này. “Cho đến nay, 5 máy bay chở các mặt hàng thực phẩm như hoa quả và rau đã được điều đến Qatar, mỗi chiếc chở khoảng 90 tấn hàng hóa, trong khi một chiếc máy bay khác sẽ được điều đến trong ngày hôm nay”, người phát ngôn này cho biết.

Việc phê chuẩn các thỏa thuận quân sự không phải là động thái chống lại Saudi Arabia mà chỉ là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Qatar. Điều này cho thấy, Ankara ưu tiên cho quan điểm địa chính trị của họ và chứng tỏ sự hiện diện quân sự ở Qatar hơn là cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh.

Cùng hội cùng thuyền

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có lịch sử lâu dài liên quan các cuộc xung đột và sự phát triển của khu vực. Cả hai đều ủng hộ cuộc cách mạng Ai Cập và lên án cuộc đảo chính quân sự đưa nhà lãnh đạo hiện nay Abdel Fattah el-Sisi lên nắm quyền. Họ cũng phản đối liệt nhóm Anh em Hồi giáo (MB) và Hamas vào danh sách “các tổ chức khủng bố” và đều ủng hộ các nhóm phiến quân chiến đấu để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.

Cái bắt tay mạnh mẽ trong chính trị khu vực càng gia tăng sau khi Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani thể hiện sự ủng hộ lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Tổng thống Recep Erdogan trong và sau cuộc đảo chính thất bại hồi năm 2016. Doha và Ankara cũng theo một chiến lược “cân bằng” tương tự trong mối quan hệ với Iran. Các nhà phân tích giải thích, tại thời điểm này, Saudi Arabia và UAE, với sự ủng hộ và động viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang cố gắng tạo ra mặt trận thống nhất để cô lập hoàn toàn Iran. Theo các nhà phân tích, Qatar, kết quả của việc từ chối đi theo chiến lược diều hâu chống lại quốc gia Hồi giáo, được coi là “liên kết yếu nhất” trong liên minh Vùng Vịnh chống Iran. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có mối liên kết thương mại mạnh mẽ với Iran, rõ ràng không sẵn sàng đối đầu với nước láng giềng lớn mạnh của mình.

Nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã bùng nổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng, việc tăng quân số tại Qatar từ 94 lên 600 người có thể là điềm báo một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tương lai nếu Qatar yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ lãnh thổ trước áp lực từ Mỹ và Saudi Arabia. Có thể, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi thứ có thể để chống lại áp lực của Mỹ và Saudi Arabia trong cuộc khủng hoảng lần này nhưng điều này không có nghĩa là Ankara sẵn sàng gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Riyadh hay Washington.

Khả Anh