Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia tiếp tục đấu khẩu vụ nhà báo Jamal bị sát hại

Thứ tư, 24/10/2018 10:38

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ khẳng định của Saudi Arabia rằng, nhà báo Jamal Khashoggi đã chết trong một cuộc ẩu đả, cho rằng, lời giải thích này “coi thường” dư luận thế giới.

Trong động thái mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 23-10 kêu gọi mở phiên tòa tại Istanbul để xét xử các nghi phạm người Saudi Arabia trong vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi, một tội ác mà ông khẳng định, “đã được lên kế hoạch phức tạp trước đó vài ngày” chứ không phải là vụ ẩu đả bất ngờ như tuyên bố của Riyadh.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23-10 tuyên bố tìm thấy một xe bỏ hoang của Lãnh sự quán Saudi Arabia trong một bãi đậu xe ngầm ở quận Sultangazi của Istanbul. Ảnh: AFP

Đâu là “sự thật trần trụi”?

Cho đến nay, đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi Saudi Arabia chính thức thừa nhận nhà báo bất đồng chính kiến Jamal bị sát hại trong Lãnh sự quán ở Istantbul, thế giới vẫn hoài nghi sâu sắc, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo AFP, phát biểu trước đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Quốc hội, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ lời khẳng định của Riyadh rằng nhà báo Jamal đã chết trong một cuộc ẩu đả tại lãnh sự quán ở Istanbul, cho rằng, lời giải thích này “coi thường” dư luận thế giới. Ông Erdogan cam kết sẽ đưa ra “sự thật trần trụi” về vụ giết người này. Theo đó, Tổng thống Erdogan khẳng định, quyền miễn trừ ngoại giao không phải là “lá chắn” cho tội giết người, đồng thời nhấn mạnh, Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao không cho phép làm điều đó. Tổng thống Erdogan còn bày tỏ không hài lòng với việc Saudi Arabia đổ lỗi cho một số điệp viên tình báo của nước này và yêu cầu Riyadh trả lời những câu hỏi quan trọng còn bỏ ngỏ, bao gồm cả những người đã ra lệnh thực hiện vụ sát hại này. Chỉ vài giờ trước khi ông Erdogan đưa ra tuyên bố trên, Omer Celik, người phát ngôn đảng cầm quyền cũng cho rằng, đây thật sự là một vụ giết người “đã được lên kế hoạch một cách cực kỳ man rợ” và những kẻ liên quan “đã nỗ lực rất nhiều để dọn sạch mọi chứng cứ”.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23-10 tuyên bố tìm thấy một chiếc xe bỏ hoang của lãnh sự quán Saudi Arabia trong một bãi đậu xe ngầm ở quận Sultangazi của Istanbul. Hình ảnh phát sóng CNN cũng cho thấy, một quan chức Saudi Arabia với dáng dấp cơ thể gấp đôi ông Jamal, mặc quần áo của nhà báo, vội vã rời khỏi lãnh sự quán. Một số nhân viên lãnh sự đã khai với các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ rằng, họ không được nghỉ vào ngày mà ông Jamal bị sát hại, bất chấp báo cáo trên phương tiện truyền thông địa phương cho biết, họ ra về lúc 15 giờ 30. Các nhân viên cũng nói rằng, họ không “nhìn thấy hay nghe bất kỳ âm thanh nào” mặc dù tuyên bố của Riyadh nói rằng, ông Jamal chết trong một cuộc ẩu đả sau khi to tiếng cãi nhau.

Saudi Arabia nói Hoàng gia không liên quan

Tuy nhiên, bất chấp việc bị cả thế giới phản đối, Saudi Arabia vẫn khẳng định, Hoàng gia của họ không liên quan, đồng thời cam kết điều tra toàn diện vụ việc. Nhưng dù giải thích như thế nào, vụ việc lần này thật sự làm tổn hại đến danh tiếng quốc tế của Thái tử quyền lực Mohammed bin Salman, người đã dẫn đầu một cuộc cải cách đầy tham vọng ở vương quốc Vùng Vịnh này.

Trong ngày 23-10, hội nghị Sáng kiến Đầu tư tương lai (FII) đã diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, nhưng thiếu vắng nhiều quan chức các nước phương Tây và lãnh đạo các Cty hàng đầu thế giới. Hội nghị này, vốn được lên kế hoạch từ trước khi xảy ra vụ khủng hoảng trên, được xem là một trong những nỗ lực của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm hiện đại hóa nền kinh tế đất nước và giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

Bộ trưởng các cường quốc gồm Anh, Pháp, Đức và Mỹ - các quốc gia từng ký kết các hợp đồng quốc phòng giá trị lớn với Saudi Arabia – không tham dự hội nghị này do vụ giết người trên. Đại diện thể chế tài chính lớn và các tập đoàn hàng đầu thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), JP Morgan, Ford, Uber, Siemens cũng như các hãng tin danh tiếng như Bloomberg, CNN hay Financial Times cũng  hủy kế hoạch tham dự sự kiện kinh tế quan trọng nhất Trung Đông này.

KHẢ ANH