Thỏa thuận mua vũ khí Malaysia- Trung Quốc: Hứa hẹn và triển vọng

Thứ ba, 07/02/2017 09:21

(Cadn.com.vn) - Cuối năm 2016, Malaysia ký thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên với Trung Quốc, đồng ý mua 4 tàu hoạt động ven biển (LMS) của Bắc Kinh trong chuyến thăm 6 ngày của Thủ tướng Najib Razak. Ông Najib cho rằng, đây là "thỏa thuận mang tính bước ngoặt".

Ý nghĩa

Thỏa thuận LMS là  động thái quan trọng đối với Malaysia và Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nước.

Từ quan điểm của Malaysia, thỏa thuận này thể hiện nỗ lực hiện đại hóa quân sự liên tục của nước này. Thách thức chính mà Malaysia phải đối mặt trong vài thập kỷ qua là làm thế nào để tăng cường phòng thủ nhằm giải quyết một loạt các mối đe dọa an ninh trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp khó khăn. Tháng 10-2016, Malaysia tuyên bố cắt giảm 12% ngân sách quốc phòng so với năm trước, nhiều nhất kể từ năm 1998, thời điểm Châu Á đang quay cuồng trong khủng hoảng tài chính.

Một trong những sáng kiến thể hiện nhu cầu "làm nhiều hơn, tiêu tốn ít hơn" của Malaysia là Chương trình chuyển đổi 15 thành 5. Theo đó, sẽ giảm 15 loại tàu hiện có của đất nước, vốn có tuổi thọ trung bình 30 năm và có nguồn gốc từ các quốc gia khác nhau - Pháp, Đức, Ý, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh, và Malaysia, xuống còn 5 loại, gồm Tàu hoạt động ven biển (LMS), Tàu đa hỗ trợ (MRSS), Tàu chiến đấu ven biển (LCS), tàu tuần tra thế hệ mới, và tàu ngầm.

Theo chương trình 15 thành 5, những tàu quá cũ cần nhiều tiền để bảo dưỡng được bán để bổ sung kinh phí cho việc mua mới. Quân đội lên kế hoạch mua 18 LMS, và Trung Quốc từ lâu được coi là ứng viên phù hợp duy nhất vì có mức giá thấp.

Malaysia ký thỏa thuận mua tàu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các điều khoản

Theo thỏa thuận mua 4 LMS, 2 chiếc sẽ được đóng ở Trung Quốc và 2 chiếc tại Malaysia. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, việc đóng 4 LMS sẽ được thực hiện thông qua liên doanh giữa Nhà máy đóng tàu Hải quân Sdn Bhd và Công ty TNHH quốc tế đóng tàu Trung Quốc dưới sự giám sát của Bộ Quốc phòng Malaysia cũng như quản lý của Cơ quan quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (SASTIND) Trung Quốc.

Các quan chức Malaysia không công bố trị giá của thỏa thuận song ông Hishammuddin cho biết chi phí sẽ dưới 250 triệu ringgit. Số tiền này nằm ngoài ngân sách, có được thông qua tiền tiết kiệm từ Chương trình chuyển đổi 15 thành 5.

Các quan chức quốc phòng Malaysia cũng không được tiết lộ cụ thể về các loại vũ khí được trang bị trên LMS. Nhìn chung, LMS là tàu tuần tra tên lửa được trang bị trực thăng, sử dụng cho các nhiệm vụ tuần tra, an ninh biên giới, cũng như các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ cơ bản.

Triển vọng

Không lâu sau khi thỏa thuận được ký kết, nhiều người tự hỏi liệu thỏa thuận LMS sẽ được thực hiện nhanh chóng như Trung Quốc và Malaysia kỳ vọng hay không.

Có nhiều lý do dẫn đến sự hoài nghi này. Trong nhiều năm qua, Malaysia phải vật lộn với một thực tế khá ảm đạm của một hạm đội tàu cũ kỹ cần hiện đại hóa cấp bách trong bối cảnh các mối đe dọa đa dạng tăng lên và môi trường chính trị và kinh tế không có lợi cho khả năng tài trợ. Nhiều chương trình quốc phòng mới bị hoãn do hạn chế về ngân sách, trong khi một số dự án đang thực hiện cũng bị chậm trễ do thiếu kinh phí. Điều đó khiến nhiều người cho rằng thỏa thuận LMS cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bản chất của thỏa thuận này cũng khiến nhiều người nghi ngờ, nhất là chất lượng của các thiết bị quốc phòng của Trung Quốc.

Theo ông Hishammuddin, các tàu mới theo Chương trình 15 thành 5 sẽ phải đến năm 2020, nhưng tàu LMS đầu tiên sẽ ra mắt trong 18-24 tháng tới.

An Bình
(Theo Diplomat)