Thỏa thuận ngừng bắn cho Ukraine

Thứ sáu, 13/02/2015 10:43

(Cadn.com.vn) - Các bên cuối cùng đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn quan trọng cho cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, mở đường chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 1 năm qua.

Sau 16 giờ hội đàm căng thẳng, cuộc đàm phán tại Cung Độc lập ở thủ đô Minsk  của Belarus giữa lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandie - gồm Nga, Ukraine, Pháp, Đức - đã kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande vui mừng
khi các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn cho Ukraine. Ảnh: AP

Các cuộc đàm phán diễn ra theo thể thức kín và đầy căng thẳng. Theo Reuters, các nhà lãnh đạo chỉ rời phòng họp ít phút rồi quay lại đàm phán trực tiếp và chỉ yêu cầu các thành viên trong đoàn tham gia khi cần thiết. Reuters dẫn tuyên bố trước báo giới của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, thỏa thuận này, đạt được sau các cuộc đàm phán suốt đêm – gồm một thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu  lực từ 0 giờ ngày 15-2 (tức 4 giờ ngày 16-2, giờ Việt Nam) và các bên rút các vũ khí hạng nặng khỏi khu vực xung đột Donbass.

Cũng từ ngày 15-2, cả quân đội chính phủ Ukraine và phe nổi dậy sẽ rút vũ khí hạng nặng (cỡ nòng 100 mm trở lên) cách đều giới tuyến để tạo thành khu vực an toàn rộng ít nhất 50km, rộng từ 70km -140km cho các giàn tên lửa chùm và chiến thuật hủy diệt cao. Ngoài ra, quân đội Ukraine sẽ rút vũ khí khỏi đường giới tuyến hiện nay, còn lực lượng dân quân Donbass sẽ rút khỏi đường giới tuyến theo thỏa thuận 19-9-2014 tại Minsk (hẹp hơn so với giới tuyến hiện nay). Việc rút vũ khí sẽ bắt đầu chậm nhất vào ngày thứ 2 sau lệnh ngừng bắn và phải hoàn tất trong 14 ngày. Quá trình rút vũ khí sẽ do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cùng Nhóm Tiếp xúc 3 bên hỗ trợ.

Tiếp theo là tổng thể giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine. Trước tiên, đó là cải cách hiến pháp, tính đến quyền của người dân Donbass. Tiếp theo là vấn đề nhân đạo, thực thi luật quy chế đặc biệt cho các vùng lãnh thổ ở miền đông. “Chúng tôi thống nhất về các vấn đề chính”, Tổng thống Putin khẳng định. Trong khi đó, Người phát ngôn Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, “thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Minsk mang đến nhiều hy vọng cho miền đông Ukraine”. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, tất nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm cho cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng thỏa thuận này là cơ hội thực sự để cải thiện tình hình.

Tin vui đến trong bối cảnh Ukraine và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đạt thỏa thuận sơ bộ về kế hoạch cứu trợ tài chính mới trị giá 17,5 tỷ USD,  có thể sẽ là động thái “bước ngoặt” đối với Kiev. “Tôi vui mừng thông báo, nhóm IMF đang làm việc tại Kiev hoàn tất một thỏa thuận cấp chuyên viên với chính phủ sở tại về chương trình cải cách kinh tế mới, được hỗ trợ bằng gói tài chính mở rộng trị giá khoảng 17,5 tỷ USD”, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, vấn đề đặt ra là các thủ lĩnh phe nổi dậy Ukraine từ chối ký thỏa thuận tại Minsk mặc dù lãnh đạo khu vực Donetsk và Lugansk đã đến tham dự đàm phán trên.

Khả Anh