Thoát suy thoái, chưa thoát nguy

Thứ sáu, 11/12/2015 10:26

(Cadn.com.vn) - Mặc dù nền kinh tế Nhật cơ bản đã thoát được đà suy thoái, nhưng chưa hoàn toàn thoát nguy và tất nhiên vẫn còn một chặng đường dài để đi.

Đầu tháng 12 này, nền kinh tế Nhật đón nhận nhiều tin tốt lành. Số liệu Văn phòng Nội các chính phủ cho biết, kinh tế tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm 1% chứ không phải 0,8% như công bố trước đó. Kinh tế tăng trưởng này được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, 2 lĩnh vực rất quan trọng cho sự thành công trong tương lai của chính sách Abenomics, đặc biệt là khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tái tập trung vào kinh tế trong năm 2016.

Mặc dù nhắm mục tiêu viết lại Hiến pháp với "thành quả" là việc dự luật an ninh gây tranh cãi được thông qua, nhưng việc chấn hưng nền kinh tế vẫn luôn song hành kể từ khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012. Nỗ lực tập trung vào chính sách kinh tế cũng là nằm trong chiến lược tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc bầu cử vào năm 2016.

Tuy nhiên, thật sự mà nói, nền tảng kinh tế của Nhật vẫn còn yếu. Đà suy giảm dân số cũng là nguyên nhân "kéo giảm 2%" mức tăng trưởng GDP mỗi năm của nước này, có nghĩa là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ cần phải tăng 4% mới đủ đạt mức tăng trưởng 2% tương đương. Nói theo cách khác, các Cty Nhật đang chạy theo lợi nhuận chứ không phải đầu tư. Trong khi đó, suy thoái ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Nhật.

Việc tỷ lệ dự trữ liên bang ở Mỹ tăng, thuế tiêu dùng cũng tăng trong năm 2017, cùng với sự tiết kiệm truyền thống trong tiêu dùng của người Nhật, sẽ làm giảm tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng. Nhiều người cho rằng, chính phủ có thể đang cố gắng "giữ tinh thần" trước thềm cuộc bầu cử năm 2016 để từ đó lên những kế hoạch khó khăn hơn sau đó. Tuy nhiên, nhiều người khác lại có cái nhìn khác khi cho rằng, ông Abe đang từng bước hiện thực hóa lời cam kết về cải cách kinh tế kéo dài.

Dù nói gì thì phải thừa nhận rằng, khu vực tư nhân sẽ cần phải đi đầu trong việc đạt được những lợi ích thông qua việc kết hợp với quy trình công nghệ cao. Trong khi đó, chính phủ có thể hỗ trợ thông qua việc tiếp tục hội nhập kinh tế, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số thương mại, tăng quan hệ đối tác kinh tế với các nền kinh tế tăng trưởng cao mới nổi, và đặc biệt là cần cải cách thị trường lao động.

Nhiều người lạc quan tiếp tục kỳ vọng, chính quyền sẽ tiếp tục cải cách hậu bầu cử, vì các chiến lược hiện tại là không đủ để kéo nền kinh tế đi lên mạnh mẽ.

Thanh Văn