Thôn văn hóa 10 năm liền
(Cadn.com.vn) - Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) như một làn gió mới len lỏi vào từng mái nhà thúc giục người dân nơi đây hăng say lao động sản xuất xây dựng đời sống mới. Giai đoạn 2005-2014, năm nào thôn Phú Hòa 1 cũng được công nhận là "Thôn văn hóa"...
Thôn Phú Hòa 1 có 361 hộ/1.405 khẩu, đa số hộ gia đình chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm trước, chúng tôi có dịp ghé thăm lão nông Nguyễn Thọ. Trong ngôi nhà khiêm tốn trông ra cánh đồng bát ngát xanh, ông nhắc về hình ảnh doi đất hẹp nằm ven sông Túy Loan quê ông, mỗi mùa mưa lũ, nước dâng trắng xóa nhưng người dân vẫn khăng khít nghĩa tình.
Với chúng tôi, làng Phú Hòa trước đây (bây giờ là hai thôn Phú Hòa 1 và Phú Hòa 2) không xa lạ nhưng mỗi khi có dịp ngang qua, lại ngẩn ngơ nhìn, từ cánh đồng trĩu nặng hạt lúa đến dáng người chịu thương, chịu khó trên từng thửa rau xanh. Theo ông Thọ, người Phú Hòa xa quê từ bao đời nay vẫn còn lưu giữ tấm lòng thơm thảo mỗi khi trở về. Những làn khói bay lên từ bếp củi của mỗi ngôi nhà đụn thành từng lớp mỏng quyện lấy các mái nhà ken dày ven sông khiến dân làng khi nhìn thấy đã muốn hà hít, đi mau về nhà mà chui ngay vào chỗ ấm áp đó...
Miếu Tam vị làng Phú Hòa được trùng tu khang trang bên cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. |
Khi TP triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), sự thay da đổi thịt thấy rõ nhất trên từng đường thôn, ngõ xóm Phú Hòa 1. Ngõ xóm chính dài gần 1km và 3 con đường nội đồng trước đây là những con đường đất thì giờ đây nhân dân đã góp tiền, góp của bê-tông hóa khang trang, sạch đẹp. Xác định cải thiện thu nhập người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong XDNTM, cấp ủy, Ban công tác Mặt trận thôn phối hợp với các tổ chức thành viên vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế.
Từ các mô hình sản xuất nông nghiệp được nhân rộng, đời sống của nhiều hộ gia đình trong thôn được nâng lên, tăng tỷ lệ lao động có việc làm ổn định; vận động hơn 150 triệu đồng giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh ngặt nghèo; số hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể, không còn nhà tạm... Nhiều gia tộc có hội khuyến học, giúp đỡ con cháu có hoàn cảnh khó khăn, động viên vươn lên trong học tập. Trong thôn không có con em bỏ học nửa chừng, số học sinh học khá giỏi tăng hơn các năm trước, 100% trẻ em trong độ tuổi đều ra lớp. Trong việc cưới hỏi, lễ tang được tổ chức nghiêm trang đúng theo quy định của Nhà nước, tiết kiệm xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh. Qua bình xét, hàng năm có trên 93% hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa".
Có thể khẳng định, thành quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa của thôn Phú Hòa 1 hôm nay là kết quả của sự đồng thuận, đoàn kết gắn bó trong tình làng nghĩa xóm, tinh thần tự giác tham gia đóng góp thực hiện nghĩa vụ công dân; sự chung sức, chung lòng trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng vươn tới mục tiêu xây dựng cuộc sống giàu mạnh, văn minh. Sau 10 năm liên tục giữ vững danh hiệu "Thôn văn hóa", năm 2015, H. Hòa Vang đề nghị TP công nhận Phú Hòa 1 là "Thôn văn hóa tiêu biểu xuất sắc".
Nói về kinh nghiệm xây dựng, gìn giữ thôn văn hóa 10 năm liền, chị Đinh Thị Tiền- Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Hòa 1 cho biết: "Điều cốt yếu là phải phát huy dân chủ trong nhân dân gắn kết với việc thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên cơ sở "lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân" đã được các tộc họ trong thôn cam kết thi đua, thực hiện"... Vì vậy, người ở quê nhà cùng người ra đi đã đồng tâm phục dựng lại ngôi miếu Tam vị Thành hoàng đổ nát gần 200 triệu đồng (đây là 1 trong 5 ngôi miếu cổ nằm trong quần thể đình làng đã được TP công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 2010) và tu sửa các âm linh để giữ gìn bản sắc văn hóa làng quê. Kẻ góp công, người góp của cho dù cuộc sống của họ chưa phải no đủ lắm.
An Dương