Thông tấn xã Giải phóng: Xứng danh anh hùng (Bài cuối: Anh dũng trên chiến trường chống Mỹ)

Thứ năm, 15/10/2020 19:59

Giải phóng Buôn Ma Thuột.    (ảnh: TTXGP)

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, đúng định hướng tư tưởng, góp phần mạnh mẽ vào việc cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... của TTXGP còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sĩ thực thụ. Tại Tổng xã TTXGP cũng như các phân xã, phóng viên đều được trang bị vũ khí, luôn trong tư thế "tay viếttay súng, tay máy- tay súng". Trong chiến dịch càn quét của Mỹ mang tên Junction City vào hậu cứ thuộc Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam năm 1967, đội du kích cơ quan TTXGP đã kiên cường bám trận địa, phối hợp cùng với du kích các cơ quan Ban Tuyên huấn T.Ư, bộ đội địa phương, quân chủ lực bẻ gãy trận càn lớn của địch. Nhiều cán bộ, nhân viên của TTXGP kiên cường chiến đấu với quân địch và đã hy sinh. Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng đã bắn cháy 2 xe bọc thép Mỹ, đã anh dũng hy sinh, được tuyên dương danh hiệu "Dũng sĩ diệt cơ giới". Đồng chí Trần Văn Minh bị thương nặng, bị Mỹ bắt và cưa chân. Đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên TTXGP ở Trung Nam bộ bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ của phân xã và Khu ủy. Nhiều trận đánh thắng địch vang dội có sự tham gia của các nhà báo - chiến sĩ TTXGP Trung Trung bộ (khu V) đã được ghi vào sổ vàng lịch sử, như ngày 20- 4-1968 bắn cháy máy bay trinh sát L19 tại cầu Chìm, Trà My; ngày 15-9- 1968 bắn diệt 14 lính Mỹ tại dốc Bình Minh; ngày 10-12-1968 bắn diệt 2 lính Mỹ ở đồi Dốc Nón; ngày 10-4-1969 bắn diệt 17 lính Mỹ ở thôn 4, Trà My... Phóng viên Bùi Văn Thưởng (bút danh Võ Phát Thưởng) của Phân xã Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), hy sinh lúc làm tin chiến sự tại xã Mỹ Đức Tây (Ca Bè) năm 1969. Phóng viên Dương Tấn Nhường hy sinh tại mặt trận Quảng Đà năm 1968; đồng chí Bùi Văn Tấn (em ruột đồng chí Bùi Văn Thưởng), hy sinh tại xã Tân Phú, nơi xảy ra trận Ấp Bắc năm 1963. Trong trận càn của Mỹ vào Hòn Đất, có hai cán bộ của TTXGP đã ngã xuống cùng chị Sứ (tức liệt sĩ Phan Thị Ràng) - nhân vật trong truyện Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.

Trong Chiến dịch Chenla 1 (tháng 8- 1970), Chenla 2 (tháng 8-1971), Mỹngụy huy động hàng vạn quân cùng với quân đội của Lon Nol - lực lượng thân Mỹ ở Campuchia - tìm cách bao vây tiêu diệt các cơ quan T.Ư Cục miền Nam, trong đó có TTXGP. Lực lượng tự vệ của TTXGP do Giám đốc Vũ Linh chỉ huy vừa bao vây, vừa gọi hàng toàn bộ một tiểu đoàn lính Lon Nol chốt chặn tại Dambae (một huyện của tỉnh Kampong Cham, Campuchia). Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 lịch sử, tại các mặt trận Huế - Đà Nẵng, Phan Thiết, Đà Lạt, Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam bộ có 50 phóng viên TTXGP đã ngã xuống như những người chiến sĩ trên chiến trường.

Trong số các liệt sĩ của TTXGP có đồng chí Phó giám đốc Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), hy sinh tại Trảng Dầu (Bình Long) ngày 21-9-1967 do bị địch ném bom. Ông là nhà báo-liệt sĩ đầu tiên được lấy tên để đặt cho một con đường và một cây cầu ở Việt Nam (tại TPHCM).

Tại chiến trường khu V, ngoài sự hy sinh vì đạn bom quân thù, nhiều phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP đã ra đi mãi mãi bởi thiên tai, dịch bệnh trong lúc làm nhiệm vụ. Nhiều phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của TTXGP đã hy sinh khi tham gia chiến đấu trong những tình huống khác nhau. Riêng đêm 21 rạng sáng ngày 22-5-1972, một loạt bom kinh hoàng đã rải trúng phía trước căn cứ Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, 10 đồng chí đã hy sinh, trong đó có 5 đồng chí bị vùi trong hang đá (2 đồng chí Hoàng Quốc Thăng và Võ Công Thu là người của TTXGP). Trong chiến dịch giải phóng Đắk Tô, Tân Cảnh, nhân viên Đài minh ngữ TTXGP Trung Trung bộ Hoàng Minh Ngọc, quê ở Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã dũng cảm chiến đấu với một đại đội địch, làm cho chúng thiệt hại nặng nề, anh đã hy sinh anh dũng ngày 1-10-1972. Kỹ thuật viên Phạm Thị Đệ hy sinh vì bị lũ cuốn trôi trên đường đi làm nhiệm vụ qua sông Trà Nô (Quảng Nam) mùa lũ dữ. Những cơn sốt rét rừng ác tính, thiếu thốn mọi bề, bệnh tật cũng cướp đi sinh mạng không ít đồng chí.

Trong hai cuộc kháng chiến, cả nước có hơn 400 nhà báo-liệt sĩ; trong đó riêng TTXGP, hơn 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam. TTXGP nói riêng và Việt Nam Thông tấn xã nói chung là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo và nhân viên kỹ thuật hy sinh nhiều nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau hơn 15 năm thành lập và phát triển trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, TTXGP vô cùng tự hào đã có mặt từ những ngày đầu đến khi kết thúc cuộc chiến tranh thần thánh của toàn dân tộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang ghi lại lịch sử và trực tiếp tham gia, góp phần tích cực viết nên trang sử oanh liệt của quân và dân miền Nam anh dũng, bất khuất, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng. Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, TTXGP đã được Trung ương Cục miền Nam khen tặng 16 chữ vàng "CẦN CÙ DŨNG CẢM, TỰ LỰC CÁNH SINH, KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ".

TTXGP cũng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý để tuyên dương công trạng của một tập thể luôn tận tụy hết lòng, chấp nhận gian khổ hy sinh vì nhiệm vụ chính trị của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2020), Huân chương Thành đồng Hạng Nhì (1967), Huân chương Giải phóng Hạng Nhất (1975) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của TTXGP được tặng các danh hiệu cao quý như dũng sĩ diệt xe cơ giới, được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng, Huân Huy chương Quyết thắng...

NGÔ ANH VĂN

Sưu tầm và biên soạn theo tư liệu của TTXVN