Thông tuyến tỉnh trong thanh toán bảo hiểm y tế: Nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm thách thức

Thứ bảy, 02/01/2021 19:30

Từ ngày 1-1-2021, quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT bắt đầu có hiệu lực. Quy định này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và cần những giải pháp để chính sách BHYT đi vào cuộc sống.

Từ ngày 1-1-2021 đã thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh.   Ảnh: T.G

Một số khó khăn nhất định

Theo nguồn tin từ Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện việc thông tuyến BHYT tuyến huyện đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, và bắt đầu từ ngày 1-1-2021, tiếp tục thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh. Theo lộ trình này, quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng (có quy định cụ thể) cho người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh, điều trị không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh; người bệnh không có giấy chuyển viện vẫn được khám, chữa bệnh, hưởng quyền lợi tại các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Những trường hợp người bệnh ở địa phương này không may phải đi cấp cứu ở địa phương khác cũng được quỹ BHYT chi trả với mức hưởng theo quy định.

Tuy nhiên, khi triển khai quy định mới, theo các chuyên gia, sẽ có một số khó khăn nhất định. Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, khó khăn ban đầu là các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải người bệnh điều trị nội trú. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021. Theo các chuyên gia, việc thông tuyến tỉnh BHYT điều trị nội trú là xu thế tất yếu. Khi đó bệnh viện nào có chất lượng tốt sẽ được người dân lựa chọn. Vô hình trung các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ quá tải, khi người bệnh điều trị nội trú gia tăng; nhất là những bệnh viện điều trị về bệnh mãn tính, hiểm nghèo. Và khi quá tải, chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện đó cũng không tốt.

Trăn trở của bác sĩ tuyến huyện

“Thông tuyến BHYT chính thức có hiệu lực và rồi không biết bệnh viện tuyến huyện còn bệnh nhân không”, bác sĩ Phạm Tấn Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa trăn trở tại một hội nghị tập huấn về thực hiện thông tuyến BHYT.

Tại hội nghị, bác sĩ Đức cho rằng, chỉ thị 25 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT không hề đề cập đến vai trò của y tế cơ sở, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện, xã. Trong khi đó, chỉ thị nói rất nhiều về tuyến tỉnh. Theo ông Đức, nếu thông tuyến, bệnh viện tuyến tỉnh sẽ vừa mừng vừa lo. Mừng vì bệnh nhân sẽ nhiều hơn đồng nghĩa sẽ có thêm nguồn thu. Lo vì không đủ kinh phí để khám chữa bệnh. Còn bệnh viện tuyến huyện trở xuống sẽ rất lo. “Lo là không biết bệnh viện tuyến huyện còn bệnh nhân không. Bởi lẽ tuyến trên có đầy đủ phương tiện chẩn đoán, bác sĩ có tay nghề cao, người bệnh sẽ chọn những cơ sở tốt hơn. 5 năm qua, mơ ước của chúng tôi là có một máy CT 32 lát cắt. Tuy nhiên, do quy định, bệnh viện tuyến huyện không được thực hiện CT”, bác sĩ Đức băn khoăn. Bên cạnh đó, về vấn đề ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bác sĩ Đức cũng cho rằng còn nhiều bất cập. Hiện tại, có 3 phương thức thanh toán, gồm: thanh toán theo giá dịch vụ, thanh toán theo định suất và thanh toán theo trường hợp bệnh. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định được thanh toán theo phương thức nào.

Giải pháp nào?

Ðể chính sách BHYT đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, theo Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm, các bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát số giường bệnh, nếu kê thêm giường bệnh phải bảo đảm đúng quy định. Bên cạnh đó, phải có giải pháp tránh tình trạng người bệnh ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên bệnh viện tuyến tỉnh khi thông tuyến BHYT.

Giải pháp hữu hiệu nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh đổi mới liên tục để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các bệnh viện tuyến dưới cũng phải tự nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để giữ chân người bệnh. Ðồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không ồ ạt đổ lên các bệnh viện tuyến trên khi mà các bệnh viện tuyến dưới vẫn triển khai được các kỹ thuật thông thường. Cùng chung quan điểm, PGS, TS Ðào Quang Minh cho rằng, thông tuyến BHYT có nghĩa là người dân được quyền tự lựa chọn bệnh viện để khám, chữa bệnh. Ðể tránh quá tải, các bệnh viện nên tự đổi mới, đầu tư nhiều máy móc khám, chữa bệnh hiện đại, nguồn lực, đào tạo nhiều bác sĩ, y tá giỏi, nâng cao giá trị thương hiệu để người bệnh tin tưởng, lựa chọn. Khi tất cả các bệnh viện đều tốt thì người bệnh sẽ không đổ dồn về một bệnh viện.

Các bệnh viện cũng đề nghị cơ quan BHXH Việt Nam thanh toán BHYT cho các bệnh viện theo đúng quy định. Bởi khi số lượng người bệnh có thẻ BHYT đến khám, điều trị với số lượng đông lên, bệnh viện sẽ phải chi phí thuốc, vật tư y tế với số lượng lớn. Nguồn tài chính của bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng nếu không được BHXH thanh toán kịp thời. Bộ Y tế sẽ giao nhiệm vụ cho giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố và thủ trưởng y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh và BHYT; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các cơ sở tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chỉ định điều trị nội trú, sắp xếp bố trí giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị cũng như nhân lực hiện có; rà soát quy định cụ thể việc sắp xếp, phân tuyến khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh...

Ngoài các giải pháp để hạn chế người bệnh vượt tuyến, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ phối hợp truyền thông, nâng cao nhận thức người bệnh trong khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới. 

B.T