Thu hồi các dự án liên quan tới sai phạm về đất đai: khó, nhưng vẫn còn cơ hội
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 30-6, ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã chia sẻ nhiều thông tin về quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, phán quyết của tòa án liên quan tới sai phạm đất đai ở Đà Nẵng.
Ông Trương Quang Nghĩa trả lời ý kiến cử tri. |
Ông Nghĩa nói, hiện nay TP đang phải giải quyết rất nhiều hậu quả liên quan tới đất đai trong quá trình phát triển nóng vừa rồi. Mà giải quyết vấn đề đó, lại liên quan tới thu hồi đất. Đơn cử như SVĐ Chi Lăng, cử tri sốt ruột, nhưng không thể nói thu hồi là thu hồi ngay được. Tư cách của TP với sân Chi Lăng hiện nay là gì? Thứ nhất TP đã giao dự án cho một doanh nghiệp (DN) và DN đó lại mang sân Chi Lăng đi thế chấp, tòa xử là tranh chấp giữa DN đó với ngân hàng. Với nguyện vọng lấy lại sân Chi Lăng, liệu TP còn cơ hội lấy không? Qua xem xét thì còn cơ hội. Bởi vì sân Chi Lăng TP giao cho DN nhưng tới thời điểm này họ chưa xong giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch, vậy cơ sở đâu có 14 sổ đỏ để mang đi thế chấp ngân hàng. Mà cái sổ đỏ đó có hợp pháp hay không? Và khả năng mang sân Chi Lăng ra đấu giá như kết luận của tòa án có được không? Hoàn toàn không được.
TP quyết tâm lấy lại sân Chi Lăng (đã gửi các kiến nghị lên cấp cao nhất), nhưng tòa đã phán quyết, quyền lợi của ngân hàng, của DN hiện đang giằng co. Nếu Đà Nẵng lấy với cách thức của mình là đề nghị trả lại sân Chi Lăng, hoàn lại tiền, trả lãi suất thì sẽ làm được. Nhưng nếu làm vậy, tức là trả lại tiền để lấy sân Chi Lăng thì không được người dân đồng ý. Vấn đề bây giờ, nếu thực hiện theo phán quyết của tòa là bất khả thi. Bởi lẽ để đưa dự án ra đấu giá đấu thầu thì cần phải có phê duyệt quy hoạch của TP. “Chúng ta không nói đến đoạn trước vì sao mà bán, nhưng chúng tôi ở trách nhiệm của mình trong giai đoạn này đang cố gắng đề nghị làm sao Đà Nẵng lấy lại được sân Chi Lăng. Nó như một địa chỉ mà người Đà Nẵng đã khắc sâu từ lâu rồi. Cái sai lầm của một số đồng chí trước đây, giờ nghỉ rồi thì bây giờ chúng tôi đang cố gắng khắc phục lại. Nhưng với mỗi quyết định của mình đều phải tuân thủ theo pháp luật và có trình tự của nó”, ông Nghĩa nói.
Cử tri Đà Nẵng phản ánh ý kiến sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. |
Liên quan tới phán quyết của Tòa án nhân dân Hà Nội sau vụ xét xử 21 bị cáo của Đà Nẵng vừa qua, cử tri phản ánh có nhiều nghịch lý. Tại sao vụ án xảy ra ở Đà Nẵng, bị can ở Đà Nẵng nhưng Tòa án nhân dân Hà Nội lại xét xử. Trong khi việc thực thi thu hồi tài sản các dự án sai phạm Tòa lại giao cho Đà Nẵng. Việc thu hồi rất khó bởi lẽ giờ đã hình thành cả khu dân cư sai phạm trong Đa Phước rồi. Ông Trương Quang Nghĩa cho biết: TP đang mắc rất nhiều kết luận của thanh tra, của tòa án và lo lắng không biết đến bao giờ có thể dừng. Bởi vì mỗi kết luận như thế, thực hiện rất vất vả. Như Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ từ 2012 đến giờ, cả Ban Thường vụ bị kỷ luật vì đánh giá thiếu nghiêm túc trong thực hiện. Càng để dài, để lâu thì càng khó thực hiện. TP đang quyết tâm. Dù sai lầm của nhiệm kỳ nào đi chăng nữa thì nhiệm kỳ này luôn xác định đây là trách nhiệm của mình. TP đang cố gắng để bước sang nhiệm kỳ mới thì những vấn đề vướng mắc cố gắng giải quyết cơ bản, chứ không thể một sớm một chiều.
Ông Nghĩa nói thêm: “Cái Đa Phước hiện nay cũng đang rất lúng túng. Từ phán quyết của tòa như thế, hiện suốt ngày TP phải tiếp công dân của Đa Phước. Dự án bán rồi giờ bảo thu hồi. Bản thân chúng tôi thấy rất khó thực thi. Tới đây còn một số dự án nữa mà kết luận thanh tra theo kiểu đó nữa sẽ còn rất khó cho TP. Một quyết định sai, nóng vội, giải quyết hậu quả có khi hàng chục năm không xong, không bước chân ra khỏi.
Một góc khu đô thị Đa Phước. |
Cử tri phản ánh mức thù lao của đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp phường xã hiện rất thấp, khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy nhưng phải làm việc cả ngày, kiêm nhiệm nhiều công việc, yêu cầu của người dân ngày càng cao, là thách thức lớn với đội ngũ này. Nhiều cán bộ không chuyên trách lo lắng sẽ rơi vào hộ đặc biệt nghèo nếu với mức thu nhập như vậy. Ông Nghĩa cho biết, những lo lắng đó là đúng. Tuy vậy, với Đà Nẵng, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, sẽ xem xét áp dụng, đưa vào đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xã phường, đảm bảo đời sống thu nhập. Với phản ánh về người nước ngoài núp bóng mua đất ven biển, ông Nghĩa cho biết Đà Nẵng đã có rà soát, số liệu báo cáo năm 2015 các DN nước ngoài mua đất giờ đã chuyển hết cho người Việt. Với ý kiến băn khoăn của cử tri về vai trò giám sát của Đoàn ĐBQH, ông Nghĩa nói, trong 2 đến 3 năm vừa qua, việc giám sát rất được quan tâm và hiệu quả. Các dự án bức xúc người dân nêu lên đều được xem xét thực hiện, như lối xuống biển, đường đi dọc bờ biển, bãi cát dọc bờ biển… “Tôi xin khẳng định rằng, mới chỉ có ở Đà Nẵng dám động tới những công việc đó, như mở lối xuống biển, điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất dành phục vụ không gian công cộng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nghĩa cũng thông báo về quá trình thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị. TP đã thuê tư vấn nước ngoài điều chỉnh quy hoạch chung, hiện HĐND TP đã thông qua, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, sẽ hoàn thành, trình Chính phủ trong tháng 8 tới. Đây là quy hoạch rất quan trọng về phát triển bền vững của TP. Ngoài ra, ngày 19-6 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết cho Đà Nẵng thí điểm mô hình chính quyền điện tử, cơ chế tài chính, quản lý quy hoạch... Đặc biệt, về công tác cán bộ, ông Nghĩa cho biết, sự kiện 5 năm vừa rồi của Đà Nẵng là sự kiện đau lòng. 3 năm qua, TP tập trung kiện toàn bộ máy, khắc phục những sai phạm, vừa qua Thường trực Ban Bí thư làm việc đã kết luận Đảng bộ Đà Nẵng là đảng bộ mạnh. Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới hết sức cơ bản. Tuần sau sẽ họp thông qua bước 4, bước 5 về cán bộ của TP nhiệm kỳ tới. Công tác cán bộ nhiệm vụ này dân chủ, minh bạch, công khai.
HẢI QUỲNH
>> Vai trò giám sát của cử tri rất quan trọng
>> Đà Nẵng khó thực hiện phán quyết của tòa liên quan tới dự án Đa Phước