Thủ tướng Cameron- đường ở lại Nhà số 10

Thứ bảy, 09/05/2015 12:27

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Anh David Cameron đã tái đắc cử sau khi đảng Bảo thủ của ông giành được 331 ghế ở Quốc hội trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh. Đảng bảo thủ đã vượt mức 325 phiếu cần thiết để tự thành lập chính phủ mà không cần liên minh với đảng nào khác. Như vậy, ông Cameron sẽ tiếp tục ở lại Nhà số 10 Phố Downing, lãnh đạo nước Anh thêm 5 năm nữa.

Xuất thân giàu có

Ông Cameron là con trai của một nhà môi giới chứng khoán, lớn lên trong ngôi làng giàu có và được học tại Eton, trường nội trú ưu tú nhất đất nước, nơi Hoàng tử William và Harry theo học.

Tại trường Đại học Oxford, ông học chính trị, triết học và kinh tế học nhưng không tham gia vào các hoạt động chính trị của sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, ông Cameron bắt đầu làm việc như một nhà nghiên cứu cho đảng Bảo thủ và nhanh chóng thăng tiến.

Ông Cameron được bầu vào Quốc hội vào năm 2001 và được chọn làm lãnh đạo đảng Bảo thủ vào năm 2005, khi đảng này 3 lần liên tiếp thua Công đảng của ông Tony Blair trong các cuộc bầu cử. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo. Cả hai đều còn trẻ, trí tuệ, hiện đại, hấp dẫn, thực tế, những tố chất thu hút cử tri. Không có gì thắc mắc khi ông Cameron được cho là “người thừa kế của ông Blair”.

Tuy nhiên, ông lại trải qua những bi kịch trong cuộc sống khi con trai Ivan sinh ra bị khuyết tật nặng và qua đời năm 2009, khi mới 6 tuổi.

Ông Cameron cho rằng chỉ có đảng Bảo thủ mới có thể đảm bảo một chính phủ ổn định và vững mạnh. Ảnh: AP

Lựa chọn đảm bảo

Trong những năm đầu tiên làm lãnh đạo, ông thể hiện rõ chính sách bảo thủ nhưng khoan dung. Trong bài phát biểu đầu tiên, ông lập luận, kẻ tội phạm vị thành niên cần được hiểu cũng như trừng phạt - chính sách được báo chí ca ngợi.

Ông cũng đưa những con chó kéo xe trượt tuyết đến Bắc Cực để giới thiệu chính sách xanh và mô tả tầm nhìn về một “Xã hội Lớn” được xây dựng trên quan hệ láng giềng và sự tự nguyện. Chính phủ của ông hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, bất chấp phản đối của những người truyền thống. Ông Cameron cảm thấy tự hào về thành tích này. Chính quyền của ông cũng giảm chi tiêu công để kiềm chế thâm hụt do cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008, cũng như cắt giảm trợ cấp phúc lợi cho người nghèo.

Tuy nhiên, nhiều nhân vật cánh hữu của đảng Bảo thủ không tin tưởng vào chủ nghĩa tự do xã hội của ông Cameron, và cho rằng ông bị nhiễm độc bởi sự thất bại trong cuộc bầu cử năm 2010 trước lãnh đạo Công Đảng không được yêu thích Gordon Brown.

Trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Cameron tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế Anh. Ông Cameron là lựa chọn của các cử tri muốn đảm bảo an ninh tài chính. Thông điệp mà ông Cameron gửi tới các cử tri trong chiến dịch tranh cử là “Hãy tin tôi”. Ông Cameron cho rằng, chỉ có đảng Bảo thủ mới có thể đảm bảo chính phủ ổn định và vững mạnh. “Tất cả các lựa chọn khác sẽ kết thúc trong hỗn loạn”, ông khẳng định.

Chiến thắng của đảng do ông Cameron lãnh đạo đồng nghĩa với một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2017. Điều này được tiến hành ngay sau khi ông đàm phán về các hiệp ước EU, trong đó có quyền giới hạn người nhập cư trong khối 28 nước thành viên. Trong thông điệp đưa ra trước thềm bầu cử, Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh, Anh nên ở lại EU, vì điều này mang lại lợi ích cho cả hai.

Chiến thắng là một bất ngờ ngay cả với đảng Bảo thủ. Thủ tướng Cameron cho biết, ông “không bao giờ” tin rằng đảng của ông có thể kết thúc chiến dịch tranh cử với kết quả này. “Đây là chiến thắng ngọt ngào nhất”, ông Cameron nhận xét, đồng thời nói thêm rằng đảng Bảo thủ của ông vui mừng vì có cơ hội phục vụ đất nước một lần nữa”.

An Bình
(Theo AP)