Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để Formosa vi phạm lần thứ 2

Thứ sáu, 18/05/2018 09:48

Ngày 17–5, Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống, sản xuất và kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố biển đã diễn ra tại tỉnh Quảng Trị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương, lãnh đạo của 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp sự cố môi trường biển là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra tình hình ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại thị trấn Thuận An, H. Phú Vang, TT-Huế ngày 16-5. Ảnh: TTXVN

Môi trường biển đã khôi phục, đảm bảo an toàn

Sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4 – 2016 tại 4 tỉnh miền Trung là hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, đời sống của hơn 510 ngàn người dân thuộc 730 thôn/xóm tại 146 xã phường, thị trấn của 22 huyện ven biển thuộc 4 tỉnh trên. Trước tình hình này, Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ đã tập trung chỉ đạo, quyết sách kịp thời, các bộ, ban ngành, MTTQVN các cấp và các địa phương nhanh chóng vào cuộc xác định nguyên nhân, tập trung khắc phục sự cố. Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, huy động các nhà khoa học, các cơ quan khoa học hàng đầu trong và ngoài nước để tìm nguyên nhân gây ra sự cố. Đến ngày 30–6–2016, Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã nhận hoàn toàn trách nhiệm, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại 500 triệu USD.

Để kịp thời thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành, ngày 23–8–2016, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân bị ảnh hưởng (gọi tắt là BCĐ), do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm trưởng BCĐ. Mặc dù quá trình xử lý, khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhưng nhờ huy động và phát huy được sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là người dân khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp nên các nhiệm vụ đề ra cơ bản đã hoàn thành. Đến nay, sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, nhìn chung tình hình chất lượng nước biển, môi trường biển đã được khôi phục, kết quả giám sát các chỉ tiêu an toàn đối với mẫu hải sản đã cho thấy đã đảm bảo an toàn, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh đã hoạt động trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ sản phẩm hải sản. Hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi, tình hình ANTT xã hội, ổn định.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của 4 tỉnh tăng 23,5% so với năm 2016; sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh cũng tăng 1,4% so với năm 2016... Đối với công tác bồi thường thiệt hại, sau 2 năm cơ bản đã hoàn thành, công tác an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh đang tiếp tục được triển khai. Theo BCĐ, tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho 4 tỉnh là 6.969 tỷ đồng. Trong đó, Hà Tĩnh 1.932,8 tỷ đồng, Quảng Bình 3.000,9 tỷ đồng, Quảng Trị 1.053,5 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế 972,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 10–5–2018, kết quả chi trả đã đạt gần 99% so với số đã phê duyệt. Trước khi tạm cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ trên, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ gạo và hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền cho 4 tỉnh là 282,36 tỷ đồng.

Hàng ngàn người dân vùng ảnh hưởng cũng sớm tiếp cận nguồn vốn cho vay khôi phục sản xuất. Tính đến ngày 31–3– 2018, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong trả nợ vay ngân hàng. 237.781 thẻ BHYT cũng đã được cấp cho đối tượng bị ảnh hưởng. Công tác hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người dân đã được thực hiện khẩn trương và quyết liệt...

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế khẳng định đã giám sát chất lượng và sự an toàn của hải sản, nhất là hải sản tầng đáy khu vực biển 4 tỉnh miền Trung. Bộ Y tế cho biết đến thời điểm hiện tại, chất lượng thủy hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy đã bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thường xuyên lấy mẫu ở các vùng biển của 4 tỉnh để kiểm nghiệm và cho biết hiện tại, kết quả hàm lượng các chất hóa học trong các mẫu hải sản đã ở dưới mức cho phép.

Về công tác đảm ANTT, an toàn xã hội, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ CA và UBND 4 tỉnh tích cực làm tốt công tác đảm bảo ANTT, nhất là dịp bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, không để xảy ra sự việc đáng tiếc. Việc giám sát môi trường đối với FHS được thực hiện chặt chẽ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nhiều Bộ, ban, ngành, các địa phương, đặc biệt cảm ơn sự hỗ trợ của nhân dân. 

Nhân dân đoàn kết, cán bộ trưởng thành hơn

Nhìn lại công tác xử lý thực tế tại địa phương, lãnh đạo 4 tỉnh bị ảnh hưởng đều chia sẻ những khó khăn gặp phải nhưng trên hết đã chủ động, bám sát tình hình, tích cực triển khai các biện pháp để đời sống nhân dân sớm ổn định trở lại. Các vị lãnh đạo cũng đề nghị các bộ, ngành giám sát chặt chẽ về môi trường, để đừng xảy ra sự cố tương tự.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ một lần nữa nhấn mạnh cơ bản đã hoàn thành các nhóm nhiệm vụ, kinh phí bồi thường đã đạt mục tiêu đề ra. Đạt được kết quả đó là do sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các ban bộ, ngành, địa phương, thể hiện sự đồng lòng BCĐ, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

Trước những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và biểu dương các Bộ, ngành, QK4 và lãnh đạo 4 tỉnh, đặc biệt cảm ơn sự hỗ trợ của nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh thành công lớn nhất là người dân tin vào Đảng, Nhà nước, đoàn kết hơn trong khó khăn, bên cạnh đó cán bộ cũng trưởng thành hơn qua sự việc này. Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của truyền thông, các nhà khoa học, đặc biệt công tác dân vận. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, dứt điểm bồi thường những trường hợp còn tồn đọng, giải quyết đơn thư khiếu nại, chăm lo đời sống của nhân dân, tiếp tục quan trắc dọc biển... Thủ tướng tin tưởng 4 tỉnh miền Trung sẽ vươn lên mạnh mẽ thời gian đến.

Thủ tướng nhấn mạnh môi trường là một trụ cột của sự phát triển, cùng với kinh tế, xã hội, tạo thành một tam giác phát triển. Tất cả các địa phương cần giữ gìn môi trường, đặc biệt là môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. “Từ sự cố Formosa, nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển của chúng ta, phải làm tốt hơn, không được để ô nhiễm, kể cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước”, Thủ tướng nhấn mạnh. Bộ TN&MT cần có giải pháp và đề xuất xử lý để bảo đảm môi trường nói chung, môi trường biển được gìn giữ lâu dài.

Thủ tướng cũng nêu rõ không được để Formosa vi phạm lần thứ 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phấn khởi khi ngư dân Cửa Việt ra khơi đánh bắt hải sản thu sản lượng vượt trội.

Hệ thống đánh giá tác động ảnh hưởng của môi trường cần đáp ứng yêu cầu năng lực, chủ động, hiệu quả và trách nhiệm. Công tác kiểm tra định kỳ phải được tiến hành nghiêm túc, nhất là kiểm tra đối với Formosa và các cơ sở ven biển miền Trung. Bộ trưởng TN&MT cần xem xét lắp đặt thêm những điểm quan trắc môi trường tự động ở các thành phố lớn, KCN và các nơi đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc này phải công khai, minh bạch để người dân và cộng đồng giám sát. Cần công khai bộ chỉ số đánh giá, thẩm định, kiểm tra chất lượng bảo vệ môi trường của các tỉnh, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh. “Chúng ta tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhưng lưu ý nhắc nhở doanh nghiệp chú ý bảo vệ môi trường để có cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Thủ tướng nói và yêu cầu nghiên cứu các phương án khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và sử dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu thuế môi trường đối với chủ thể kinh tế gây ô nhiễm để thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức nghiên cứu, thực hiện thí điểm thành lập thị trường mua bán phát thải khí carbon trong thời gian tới.

Các bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, nhất là đẩy nhanh xử lý các vướng mắc hỗ trợ thủy sản tồn đọng. Tiếp tục theo dõi, giám sát dọc biển, bảo đảm an toàn thực phẩm tuyệt đối đối với thủy sản, “trong đó có lưu ý vấn đề môi trường của Formosa khi công ty này khởi động lò đốt số 2 vào ngày mai (18-5)”, Thủ tướng nhấn mạnh. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền và các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Đối với 4 tỉnh, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ bồi thường còn tồn đọng, “mặc dù còn không phẩy mấy phần trăm thôi nhưng người dân vẫn đang mong chờ”. Hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh toán, quyết toán các khoản đã chi một cách mạch lạc, rõ ràng; nếu có tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nghiêm. Các tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách khác về an sinh như hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người dân vùng bị ảnh hưởng, nhất là xuất khẩu lao động. Tổ chức tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Thủ tướng cũng nhắc các địa phương chú ý các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm như dự án hóa chất, lọc dầu, xi-măng, sắt thép... trong quá trình thẩm định dự án đầu tư ở địa phương mình.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng cũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về một số nội dung về KT–XH– QPAN. Nhân chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị, Thủ tướng cùng đoàn công tác cũng đã đến tri ân Anh hùng liệt sĩ tại NTLS quốc gia Trường Sơn. Trước đó, Thủ tướng cùng đoàn đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng đang yên nghỉ tại NTLS quốc gia Đường 9.

BẢO HÀ