Thủ tướng Thái trên con đường hàn gắn dân tộc

Thứ sáu, 08/11/2013 12:56

(Cadn.com.vn) - Là một doanh nhân thành đạt và là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, con đường cầm quyền của bà Yingluck Shinawatra có thể sẽ không quá gập ghềnh nếu không có cái bóng là “em gái của cựu lãnh đạo bị lật đổ Thaksin Shinawatra”.

Để chứng tỏ quyết tâm tiến đến hòa giải dân tộc, Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày 7-11 có bài phát biểu trên truyền hình, trong đó khẩn thiết kêu gọi tất cả các nhóm chấm dứt biểu tình, nói rằng, chính phủ hủy bỏ những nỗ lực ủng hộ dự luật ân xá đang gây tranh cãi.

“Tôi muốn người biểu tình chấm dứt tuần hành, vốn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư và khách du lịch”, Thủ tướng Yingluck nói đồng thời cảnh báo tình trạng bất ổn sẽ đẩy du khách và nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ Thái Lan.

Theo báo Nation, nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan cũng tiếp tục cam kết sẽ không làm gì để gây áp lực lên Nhà vua ký thông qua dự luật này. Hàng chục ngàn người biểu tình vẫn tiếp tục đổ xuống các đường phố thủ đô Bangkok kể từ khi Hạ viện Thái Lan tuần trước thông qua dự luật được cho là tạo điều kiện để cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra về nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Yingluck cam kết sẽ không sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình cũng như không sử dụng quân đội để kiểm soát tình hình.

Người biểu tình Thái Lan trước hàng rào cảnh sát tại Bangkok hôm 7-11. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của bà Yingluck càng củng cố cam  kết tiến đến con đường hòa giải dân tộc. Song chắc chắn, đây không phải là con đường trải đầy hoa hồng, khiến người ta tự hỏi, liệu bà có thành công. Trước tiên, không thể phủ nhận rằng, ai dường như cũng có thể bị lóa mắt bởi nụ cười dịu dàng của nữ Thủ tướng Yingluck. Nhưng đằng sau đó, người ta ấn tượng hơn cả là một phong thái tự tin, đầy bản lĩnh của người nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan.

Tờ CNN hôm 7-11 có bài viết ca ngợi vị nữ lãnh đạo này, cho rằng, bà là nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám phê bình và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cho chính phủ. Năm 2011, chỉ khoảng 10 tuần kể từ khi bước chân vào sự nghiệp chính trị, bà giành chiến thắng vang dội để lãnh đạo đất nước 67 triệu dân. Chỉ vài tháng sau đó, bà bị chỉ trích vì cách xử lý cuộc khủng hoảng lũ lụt tồi tệ nhất Thái Lan trong hơn 50 năm. 2 năm sau, bà Yingluck tuyên bố chỉ đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm của riêng mình và muốn được mọi người đánh giá và công nhận qua những việc làm được. Thành tích của bà rõ ràng cũng không ít: nâng mức lương tối thiểu, giúp thông qua một dự luật cho vay lớn để đại tu cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và cũng trở thành nữ Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của đất nước Chùa vàng.

Đảng đối lập ra tối hậu thư

Những người thuộc đảng Dân chủ đối lập ở Thái Lan ngày 7-11 ra tối hậu thư yêu cầu đảng Peau Thai cầm quyền phải bãi bỏ dự luật ân xá gây tranh cãi trong ngày 11-11. Trong khi đó,  Đảng Puea Thai đệ đơn lên Ủy ban Bầu cử Thái Lan đề nghị cơ quan này yêu cầu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết giải thể Đảng Dân chủ đối lập vì vi phạm Luật Chính đảng.

Nhưng trong những ngày qua, cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra ở thủ đô Bangkok để phản đối dự luật ân xá đang khiến nữ Thủ tướng đau đầu. Được cho là một phần của nỗ lực thúc đẩy sự đoàn kết trong nước chính phủ của bà Yingluck đề xuất dự luật ân xá này, song đã vấp phải chỉ trích gay gắt vì cho rằng, dự luật chỉ làm lợi cho cựu Thủ tướng Thaksin, anh trai đương kim Thủ tướng.

Cho dù ông Thaksin vẫn sống lưu vong, giới phân tích cho rằng, ông vẫn còn nắm quyền thông qua em gái của mình. Bản thân bà Yingluck thừa nhận có một mối quan hệ thân thiết với anh trai, nhưng khẳng định không dựa vào anh mà luôn độc lập trong mọi quyết định. “Cùng hệ có nghĩa là cùng một kiểu tư duy và phong cách quản lý nhưng không có nghĩa là phụ thuộc”, bà Yingluck nói với CNN. Nhưng rõ ràng, mối quan hệ gia đình này đã làm khó cho Thủ tướng Thái Lan, như một rào cản khiến bà không thể thu hẹp khoảng cách chính trị sâu sắc.

Khả Anh