"Thực chất, thực lòng" là chìa khóa thành công trong công tác dân vận
Ngày 22-7, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.
Đoàn kiểm tra Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. |
Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, cùng đại diện một số cơ quan, ban ngành.
Đà Nẵng luôn coi trọng công tác dân vận
Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng ban Dân vận Thành ủy đã báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW. Theo đó, công tác dân vận trên địa bàn thành phố trong suốt 10 năm qua được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Trong đó có 338 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp về công tác dân vận; xây dựng 58 quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; 1.577 điển hình "dân vận khéo" các cấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ phần trăm đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết hàng năm trên toàn thành phố qua các năm đều đạt khá cao.
Theo đánh giá chung, nhận thức của cấp ủy và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò công tác dân vận được nâng lên. Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc quy chế dân vận. Chính quyền các cấp đã quan tâm hơn đến công tác dân vận, đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ, công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, công khai, minh bạch. Thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và quan hệ đối với nhân dân có nhiều chuyển biến. Công tác phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng với chính quyền, các cơ quan nhà nước trong công tác vận động nhân dân chặt chẽ, những nguyện vọng, bức xúc của nhân dân được giải quyết từ cơ sở góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục kịp thời: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa việc thực hiện Quy chế công tác dân vận từ Trung ương đến địa phương chậm ban hành, chưa đồng bộ; mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa nghiêm túc thực hiện; kiến thức và kỹ năng về công tác dân vận của một bộ phận cán bộ các cơ quan khối Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp còn hạn chế; một số cơ quan nhà nước chưa chủ động phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố trước khi ban hành các chủ trương, quyết định hành chính có liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân; chế độ thông tin báo cáo, khen thưởng hoặc phê bình, kỷ luật thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW chưa đi vào nề nếp.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết: "TP Đà Nẵng luôn coi trọng công tác dân vận, và quyết tâm thực hiện nhằm mang lại kết quả cao, đảm bảo quyền lợi cho người dân, từ đó nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Mỗi cán bộ luôn hướng phương châm "Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm dân ủng hộ".
Kết luận buổi làm việc bà Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.
Đồng thời bà Trương Thị Mai nhấn mạnh TP Đà Nẵng có nhiều đổi mới lồng ghép công tác dân vận trong cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, TP nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để mang lại cuộc sống ổn định cho người dân. Khi cuộc sống người dân được đảm bảo, mỗi chính sách của thành phố đều nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ đó, mỗi người dân sẽ tích cực tham gia vào sự nghiệp chung xây dựng TP phát triển.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương bà Trương Thị Mai nhắn nhủ Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng muốn làm tốt công tác dân vận nói chung và Nghị định 290 nói riêng cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn và nâng cao trách nhiệm trong công tác dân vận. Người dân được lắng nghe, phát huy sự đóng góp của nhân dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, cán bộ Đảng viên gương mẫu. Nói về công tác dân vận, bà trương Thị Mai cho rằng chỉ gói gọn trong 4 chữ là "thực chất, thực lòng".
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong tình hình mới
Cùng ngày ông Nguyễn Lam - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thanh Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng; Bí thư Quận ủy Thanh Khê Ngô Xuân Thắng.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, qua 10 năm triển khai Quyết định 290, công tác dân vận trên địa bàn quận đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về công tác dân vận của hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, mô hình "Dân vận khéo" được lan tỏa, phát huy ngày càng cao sức mạnh khối đại đoàn kết, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các ngành từng bước vận dụng, đổi mới cách làm, đẩy mạnh cải cách TTHC, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến từng khu dân cư. Tạo mọi điều kiện cho nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Nỗ lực hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ và vai trò tự quản của người dân. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết chu đáo, kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, giảm phiền hà cho nhân dân. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nề nếp, hiệu quả, hạn chế thấp nhất đơn thư tồn đọng, kéo dài. Nhiều phong trào của nhân dân đi vào chiều sâu thiết thực, nhờ đó đã huy động được các nguồn lực xã hội, góp phần vào việc phát triển KT-VH-XH, đảm bảo ổn định chính trị, TTATXH...
Qua đó, Q.Thanh Khê đã vận động nhân dân thực hiện các chương trình, dự án giải tỏa đền bù, chỉnh trang đô thị có hiệu quả. Đó là dự án nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, Dự án nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương; Dự án tuyến đường 19,5m KDC Phần Lăng 2; Dự án cống thoát nước Khe Cạn, công trình bãi đỗ xe tại số 166 Hải Phòng; Dự án cải tạo, nâng cấp kiệt 47 Lý Thái Tổ P.Thạc Gián, kiệt 325 Hùng Vương, P.Vĩnh Trung.
Trong 10 năm qua, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã có vai trò quan trọng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, củng cố sự đồng thuận xã hội, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung chăm lo thực hiện tốt chủ trương "an dân"; hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được triển khai sâu rộng, tạo sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực lớn thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận. Trong 10 năm, toàn quận đã vận động trên 132 tỷ đồng phục vụ cho công tác an sinh xã hội; trong đó, "Quỹ vì người nghèo" của quận đã vận động được hơn 36 tỷ đồng cộng với sự hỗ trợ của MTTQVN TP đã hỗ trợ xây mới 286 nhà, sửa chữa 1.287 nhà đại đoàn kết xuống cấp cho hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 26,2 tỷ đồng...
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lam đã gợi ý để các đại biểu tập trung thảo luận sâu một số nội dung. Đó là tập trung đánh giá việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về công tác dân vận; nhìn nhận một cách cụ thể, thiết thực kết quả đã đạt được; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nêu các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân vận sao cho phù hợp trong điều kiện mới.
NGUYỄN LIÊN-PHƯƠNG KIẾM
Trong chuyến công tác tại Đà Nẵng, bà Trương Thị Mai đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn Q. Hải Châu. Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa. Đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nghệ (1927, trú P. Thuận Phước, Q. Hải Châu), Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống của Mẹ; đồng thời bày tỏ sự biết ơn của Đảng, Chính phủ và các thế hệ hôm nay đối với những hy sinh, cống hiến của Mẹ Phạm Thị Nghệ nói riêng và gia đình Mẹ nói chung cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mẹ Phạm Thị Nghệ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014. Mẹ có chồng và con trai là liệt sĩ; Mẹ cũng là người có công giúp đỡ cách mạng. Thăm thương binh hạng 1/4 Phan Thị Thông (1951, trú P. Thuận Phước), Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của bà Thông trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc; chúc bà Thông cùng gia đình luôn mạnh khỏe, phát huy những giá trị tốt đẹp, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. P.V |