Thức cùng trạm chốt

Thứ sáu, 11/09/2020 21:18

Những ngày này, dù công tác phòng chống dịch đã được nới lỏng, tuy nhiên tại các chốt kiểm soát y tế ở cửa ngõ phía Nam TT-Huế, các CBCS của Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) H. Phú Lộc vẫn ngày đêm căng mình chống dịch 24/24 giờ.

Trong đêm khuya, Đại úy Nguyễn Trường Giang vẫn "cắm" chốt trên QL1A.

* Là lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch Covid-19, phụ trách địa bàn giáp ranh với tâm dịch Đà Nẵng; gần 2 tháng qua, lực lượng quân đội H. Phú Lộc phối hợp với lực lượng chức năng toàn tỉnh, kịp thời phát hiện cả trăm trường hợp về từ các vùng dịch dùng mọi thủ đoạn để lọt chốt kiểm soát nhằm trốn cách ly y tế. "Dẫu công việc có vất vả nhưng đến thời điểm này chúng tôi rất vui mừng khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 2, ở Huế vẫn chưa có ca nào dương tính. Thời gian tới, dù mọi hoạt động được nới lỏng nhưng lực lượng chức năng vẫn không lơ là, chủ quan trong cuộc chiến với Covid-19"- Thiếu tá Lê Đức chia sẻ.

Hơn 2 tháng nay, kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát, nhiều chiến sĩ của Ban CHQS H. Phú Lộc đã tạm xa vợ con, gia đình để ngày đêm có mặt tại các điểm chốt chặn. Địa bàn Lăng Cô (H. Phú Lộc) là nơi giáp ranh với tâm dịch Đà Nẵng. Những ngày đầu, khi những ca dịch trong cộng đồng ở Đà Nẵng được phát hiện, gần chục ngàn công dân Huế đang làm ăn, học tập ở Đà Nẵng vô cùng hoang mang, lo lắng.

Thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8, dịch diễn biến phức tạp; nhiều công dân Huế tìm mọi cách để trở về quê hương. Vì vậy, nguy cơ lây lan dịch rất khó kiểm soát. Nhớ lại những ngày đầu chốt chặn trên đèo Hải Vân, Thiếu tá Trần Anh Tuấn - công tác tại Ban CHQS H. Phú Lộc vẫn không thể quên được cuộc chiến chưa bao giờ có trong lịch sử. Từng dòng người từ Đà Nẵng đổ về Huế qua đèo Hải Vân, nhưng thời điểm đó Huế chưa có chủ trương đón người dân từ vùng dịch. Vì vậy, lực lượng làm nhiệm vụ tại đây đã canh gác từng giây, từng phút, quyết không cho người lọt trạm. Nhiều người dân chạy xe máy đến đèo Hải Vân, không được tiếp tục về Huế đã thách thức, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

"Những ngày đầu dịch bùng phát, hàng ngàn công dân Huế đang học tập, làm việc tại Đà Nẵng hoang mang và tâm lý ai cũng muốn trở về quê. Tuy nhiên, thời gian đầu, Huế chưa cho phép về nên chứng kiến nhiều công dân của quê hương chạy xe đến đèo Hải Vân đành phải quay đầu mà những người làm nhiệm vụ chứng kiến rất xót xa"- Thiếu tá Tuấn nhớ lại. Dưới cái nắng như thiêu đốt giữa trưa hè ở trên mặt đường nền nhiệt hơn 60 độ C, nhưng những người lính vẫn động viên, năn nỉ những người dân vượt chốt quay đầu. Nhiều người thấy các chiến sĩ nói có lý có tình, đã cảm thông và quay trở lại vùng dịch.

Khi Huế có "lệnh" mở cửa đón công dân của mình từ các vùng dịch về, đến địa phận TT-Huế, tất cả công dân phải khai báo y tế và được lực lượng chức năng đưa đến các khu cách ly y tế tập trung do quân đội quản lý. Lúc này, nhiệm vụ của những chiến sĩ quân đội ở tuyến đầu càng thêm nặng nề hơn. Thiếu tá Lê Đức - Chỉ huy Trưởng Ban CHQS H. Phú Lộc cho biết: Có ngày hơn 1.000 lượt người từ vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam về Huế.

Chuẩn bị bữa ăn cho đồng đội đang làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát y tế phía Nam TT-Huế.

Cùng với lực lượng chức năng, lực lượng quân đội đã đảm nhận các khâu, từ trực chốt đến tiếp nhận công dân khai báo y tế rồi vận chuyển người đến các khu cách ly tập trung. Có nhiều hôm, công dân trở về muộn, 1-2 giờ sáng, CBCS của Huyện đội Phú Lộc vẫn xuyên đêm tiếp nhận, và khi chở công dân đến khu cách ly và trở về chốt thì trời đã sáng. Không chỉ vất vả, sức khỏe của những người lính chống dịch càng hiểm nguy hơn khi ở tuyến đầu, mỗi ngày tiếp xúc với hàng ngàn lượt người về từ vùng dịch (những người này chưa được xét nghiệm và khi về Huế, đến khu cách ly y tế mới lấy mẫu - P.V) trong khi kinh nghiệm chưa có, trang thiết bị còn thiếu.

Tối 9-9, trời đã khuya, khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ thì Đại úy Nguyễn Trường Giang - cán bộ Huyện đội Phú Lộc vẫn cẩn thận đứng canh gác tại cửa ngõ phía Nam TT-Huế để không cho người dân từ vùng dịch trở về đi vòng qua các con đường đầm phá để lọt vào địa bàn. Những ngày làm nhiệm vụ tại đây, Đại úy Giang không ít lần chứng kiến, thanh niên từ vùng dịch về khi qua chốt đã cố tình lái xe thật nhanh để khỏi khai báo y tế, Đại úy Giang cùng đồng đội đã rượt theo để chặn lại. Sau đó, những người này buộc phải quay lại trạm kiểm soát khai báo y tế, được đưa đến Khu cách ly y tế tập trung.

"Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nếu lực lượng làm tuyến đầu chống dịch chỉ một chút sơ hở thì nguy cơ dịch bệnh rất dễ tràn vào địa bàn. Vì vậy, chúng tôi luôn vận dụng đúng quy định phòng chống dịch trong khi thực thi nhiệm vụ"- Đại úy Giang cho hay. Nói về kỷ niệm những đêm canh chốt ở nơi không quán xá, Đại úy Giang và đồng đội nhớ nhất là được người dân địa phương tiếp tế từ nồi cháo đến mì tôm. Những việc làm này như tiếp thêm sức mạnh để những người lính hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch.

HẢI LAN