Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII:

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại quy định trong Hiến pháp

Thứ năm, 20/11/2014 07:11

(Cadn.com.vn) - Kết thúc phần trả lời chất vấn của 4 thành viên Chính phủ, chiều 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình bổ sung một số vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tại Kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 149 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ; trong đó có 17 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Hơn 2 ngày qua, đã có 4 Bộ trưởng trực tiếp và 5 thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn tại Hội trường.

“Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Đỗ Văn Đương, Thích Thanh Quyết và Lê Nam về việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đã được quy định trong Hiến pháp.

Đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.

Trả lời câu hỏi của Thượng tọa Thích Thanh Quyết về chính sách của Đảng, Nhà nước sau khi Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn xây dựng quan hệ chân thành hợp tác với Trung Quốc vì hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, cùng thịnh vượng; thực hiện hiệu quả, thực chất phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt nhằm đem lại lợi ích cho cả hai nước. Việt Nam cũng luôn mong muốn hai nước chân thành hợp tác giải quyết những bất đồng giữa hai bên về những vấn đề còn có quan điểm khác nhau về chủ quyền trên biển trên tinh thần tôn trọng Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 và Thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao hai nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Nam về quan điểm của Chính phủ trước việc Trung Quốc xây dựng các đảo trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Đảo Gạc Ma và một số đảo tại Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó, Việt Nam và các quốc gia ASEAN đã ký với Trung Quốc Tuyên bố về Thái độ ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Theo đó, các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình; không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Việc Trung Quốc bồi lấp biển ở đảo Chữ Thập ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam; lập trường của Việt Nam là kiên quyết phản đối vì hành động này đã vi phạm Điều 5 của Tuyên bố DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết. Tại các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều phát biểu, nêu rõ lập trường này của Việt Nam.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương về phát triển kinh tế biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ nỗ lực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo chủ quyền quốc gia trên biển; cân đối các hoạt động, dự án đầu tư để làm tốt hơn mục tiêu này. Thủ tướng nêu rõ, các lĩnh vực liên quan đến biển không thể chỉ giao cho một bộ, ngành, mà cần thực hiện theo hướng một bộ chủ trì quản lý và các bộ, ngành phối hợp.

“Đối với Trung Quốc, chúng ta là láng giềng, dù nắng mưa hay bão lũ chúng ta vẫn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Do vậy cần gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện một cách thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, để đem lại lợi ích cho cả 2 nước. Chúng ta mong muốn 2 bên đều chân thành hợp tác, gìn giữ hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên cơ sở 2 bên cùng có lợi, 2 bên cùng thịnh vượng và giải quyết thỏa đáng những bất đồng. Nếu nói ngắn nhất, đầy đủ nhất về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi xin khái quát 6 chữ, đó là: vừa hợp tác, vừa đấu tranh”

(Trích trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

Nợ công trong ngưỡng an toàn cho phép

Trong báo cáo giải trình đọc trước Quốc hội chiều 19-11, Thủ tướng nêu rõ: Nợ công của nước ta đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP.

Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện đúng các quy định và kế hoạch đề ra; trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Chính phủ cũng sẽ quản lý chặt chẽ các khoản nợ khác; chủ động từng bước điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách Nhà nước lành mạnh; bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận: Kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đi đôi với phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất lao động và thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. (Xin xem toàn văn Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII).

Khẩn trương triển khai nội dung chất vấn

Cuối giờ chiều, phát biểu kết thúc 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi thẳng thắn, rõ ràng đối với công việc của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao về phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời các ý kiến của cử tri được gửi đến và báo cáo với Quốc hội vào Kỳ họp sau.

Đánh giá, qua báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các ngành, các cấp đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về kết quả chất vấn từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp thứ 7. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục triển khai khẩn trương, hiệu quả những nội dung đã được chất vấn tại Kỳ họp này và báo cáo với Quốc hội tại các Kỳ họp thứ 9 và thứ 10 tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chân thành cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng, đồng bào, chiến sĩ, cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, giám sát hoạt động chất vấn của Quốc hội; đồng thời thể hiện sự đồng tình, ủng hộ, động viên khuyến khích công việc hệ trọng này của Quốc hội.

Thu Thủy- TTXVN