Cần 2.000 tỷ đồng để làm cầu treo
(Cadn.com.vn) - Là thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn tại Quốc hội trong ngày 18-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến cước vận tải, hạ tầng giao thông, phòng chống tham nhũng trong ngành GTVT...
Trả lời băn khoăn của đại biểu về tiến độ xây dựng cầu treo, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết đã chủ động đề xuất Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển xây dựng cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trong cả nước. Hiện, Bộ đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Bộ trưởng cho biết trong cả nước hiện có khoảng 7.811 cây cầu cần được xây dựng. Bộ đã khảo sát, rà soát để xây dựng lộ trình cụ thể để tiến hành đầu tư. Hiện Chính phủ đã đồng ý đầu tư 186 cầu bằng cách ứng vốn ngân sách của năm 2015; mục tiêu phấn đấu ngày 30-6-2015 sẽ hoàn thành. Bộ trưởng cho biết để làm được 7.811 cây cầu cần gần 2 nghìn tỷ đồng và sẽ huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có sự tham gia của các địa phương và những nhà tài trợ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn. |
Chia sẻ nỗi băn khoăn của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về việc gần 40 năm giải phóng đất nước nhưng vẫn còn một số nơi chưa có đường ô-tô đến thị trấn của huyện, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thẳng thắn thừa nhận đây là một thực tế. Hiện nay còn 11 huyện đảo chưa có đường ô-tô, còn 8 huyện trên đất liền có đường ô-tô đến trung tâm nhưng còn phải đi qua phà, Bộ đã trao đổi với các địa phương, trong đó 5 huyện sẽ được đầu tư trong thời gian tới; 3 huyện còn lại tiếp tục phối hợp với địa phương nghiên cứu để thực hiện đầu tư xây dựng. Bộ trưởng khẳng định Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm cùng với các tỉnh, huyện tìm những nguồn vốn để đầu tư. Đối với đường ô-tô về xã, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã. Bộ trưởng tin tưởng sự nghiệp phát triển giao thông nông thôn sẽ về đích sớm.
Đối với công tác phòng chống tham nhũng trong ngành GTVT, Bộ trưởng cho biết, cùng với chương trình tổng thể về triển khai phòng, chống tham nhũng của Trung ương, Bộ GTVT đã đưa ra các giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả chống tham nhũng trong ngành. Cụ thể, Bộ đã xác định trách nhiệm đối với người đứng đầu từ phê duyệt chủ trương, đến việc đầu tư; trong đó trách nhiệm bao gồm cả Bộ trưởng, Thứ trưởng, thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp... Đối với các chủ thể như ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu nếu sai phạm, Bộ kiên quyết xử lý và thay thế; kể cả những việc mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đề nghị các cơ quan của pháp luật xử lý theo quy định. Theo Bộ trưởng, công tác quản lý cán bộ là quan trọng nhất. Vì vậy, Bộ GTVT đã báo cáo với Chính phủ và nhận được sự đồng tình trong việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo như: Tổng cục trưởng, Cục trưởng... đều tổ chức công khai, minh bạch.