Việc nâng lương được xây dựng theo lộ trình

Thứ năm, 20/11/2014 06:58

(Cadn.com.vn) - Sáng 19-11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã đăng đàn, giải đáp các vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là các vấn đề tiền lương, sinh viên ra trường không có việc làm, chế độ với người có công.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) là việc tăng tiền lương hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết hiện nay tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%.

Việc nâng lương được xây dựng theo lộ trình, theo đó, đến năm 2015 -2016, tiền lương của người lao động sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu, tuy nhiên, theo tình hình kinh tế và khả năng ngân sách, Bộ Chính trị đã có có yêu cầu cần "đi từng bước" theo khả năng ngân sách, giãn thời gian hướng đến lộ trình tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu.

Năm nay, do khả năng ngân sách, Hội đồng Tiền lương xác định nếu nâng lương sẽ không có nguồn. Chính vì vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, dành 11 nghìn tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1-1-2015. Đây là quyết định nhân văn, tuy nhiên giải pháp này vẫn chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn trước Quốc hội. 

Giải đáp mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội về việc triển khai Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011- 2020, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Theo quy hoạch, đến năm 2015 sẽ có 55% lao động phải được qua đào tạo; đến năm 2020, 70% lao động phải qua đào tạo. Chiến lược cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Tham gia giải trình thêm về trách nhiệm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Theo kế hoạch, giai đoạn 2011- 2015 phải đào tạo được 4,7 triệu nông dân trong đó 1,6 triệu người làm nông nghiệp. Tuy nhiên theo số liệu tổng hợp, đến hết năm 2015, dự kiến sẽ đào tạo được gần 1,1 triệu nông dân là không đạt mục tiêu đề ra. Theo Bộ trưởng, số lượng quan trọng nhưng hơn cả vẫn là việc đảm bảo chất lượng đào tạo nghề.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành ban hành 132 chương trình và giáo trình của 132 nghề bám sát các quy trình sản xuất tiên tiến, yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục rà soát theo tiến bộ khoa học vào sản xuất; nâng cấp các cơ sở đào tạo nhất là các trường, trung tâm khuyến nông, tiếp tục hoàn thiện phương pháp đào tạo, dạy nghề ngay tại đồng ruộng, tàu cá chứ không phải ở nhà trường.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ phối hợp làm tốt công tác thông tin tư vấn nghề; gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển sản xuất ở mỗi địa phương, nhất là trong khuôn khổ xây dựng chương trình nông thôn mới. Theo đó, các xã đều có quy hoạch sản xuất, lựa chọn mỗi xã những cây, con chính; ưu tiên đào tạo nông dân nòng cốt; điều chỉnh cách đào tạo nghề và chính sách đào tạo nông dân...

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH trước thực trạng tính đến quý III-2014 có tới 174 nghìn lao động tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: hiện, số lượng sinh viên qua đào tạo cao đẳng, đại học nghề ra trường mỗi năm khoảng 800 nghìn người.

Lực lượng này rất cần có việc làm, nhất là trong các gia đình phải vay tiền cho con em đi học. Nguyên nhân của tình trạng thiếu việc làm hiện này là do tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, doanh nghiệp phá sản nhiều; lao động qua đào tạo nghề còn hạn chế. Số lao động qua học nghề tìm được việc làm chiếm khoảng 70% nhưng Việt Nam còn hạn chế trong lĩnh vực kỹ năng nghề và những nghề trình độ cao theo đòi hỏi của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Bộ trưởng, trong số lao động đã qua đào tạo sẽ có khoảng 60% lao động ở khu vực nông thôn có thể giúp gia đình những công việc về nông nghiệp; một số ít tìm thấy công việc ở thành phố hoặc làm việc cho các doanh nghiệp tại địa phương. Trách nhiệm của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy trình độ học vấn để làm đúng ngành, đúng nghề. Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Trung tâm xúc tiến việc làm ở địa phương tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội sớm tìm được việc làm.

Về giải pháp trước mắt và lâu dài giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ: Việc đào tạo nguồn nhân lực mặc dù đã có quy hoạch và chiến lược phát triển nhưng tùy theo từng thời kỳ, chiến lược này phải phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.

Việc nắm bắt nhu cầu thị trường là việc cần làm, vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng định hướng công tác tuyển sinh; xây dựng quy hoạch tổng thể đào tạo gắn với thị trường lao động. Trước mắt, đối với số sinh viên ra trường chưa có việc làm, phải đào tạo lại nghề cho phù hợp; xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích làm việc tại vùng sâu, vùng xa, phục vụ đồng bào dân tộc. Việc xây dựng các cơ chế khuyến khích sẽ tạo cơ hội phát huy sức trẻ của thanh niên.

Giải quyết chính sách đối với người có công cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ LĐ-TB&XH hiện đang phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành tổng rà soát chính sách đối với người có công trong hai năm 2014-2015.

Đến tháng 11, cơ bản các đối tượng đã được rà soát. Những trường hợp sai chiếm khoảng 0,18%, ngoài ra còn khoảng10 nghìn đối tượng là thanh niên xung phong nhưng chưa có hồ sơ xem xét; 2 nghìn thương, bệnh binh nhưng thiếu giấy tờ xác nhận. Bộ sẽ cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, nghiên cứu đối với từng hồ sơ để chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc giải quyết đúng theo quy định.