Thưởng cho địa phương bao nhiêu % vượt thu ngân sách?
(Cadn.com.vn) - Chiều 8-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Các nội dung của dự thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý trong buổi làm việc là: Thưởng vượt thu ngân sách Nhà nước; ứng trước dự toán năm sau; chuyển nguồn ngân sách; quy trình ngân sách...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Ủy ban này hiện có hai nhóm ý kiến khác nhau trong việc xử lý thưởng vượt thu ngân sách Nhà nước. Theo đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật ngân sách Nhà nước hiện hành đó là tính thưởng dựa trên số thu các khoản phân chia giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương. Cơ quan thẩm tra các dự án luật về tài chính, ngân sách của Quốc hội cũng phân tích: Phương án này có ưu điểm là đã được áp dụng nhiều năm, ổn định nhưng có nhược điểm là khu phân chia giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương. Song phần vượt dự toán của Trung ương thưởng cho địa phương là chưa hợp lý; mặt khác, không khuyến khích được các địa phương tích cực thu phần Ngân sách Trung ương được hưởng 100%. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án này.
Song cũng có ý kiến đề xuất phương án quy định mức thưởng không quá 20% các khoản thu của Ngân sách Trung ương hưởng 100% trừ thu từ dầu thô, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với đề xuất này. Phương án này có ưu điểm là khuyến khích các địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách và có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhưng cũng có nhược điểm là nếu như không có sự quản lý chặt chẽ ở địa phương, cũng có trường hợp vì quyền lợi của các địa phương mà gây ra những hoạt động bất thường về nhập khẩu hàng hóa thông qua các cửa khẩu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cơ quan soạn thảo đảm bảo tính tương thích của Dự án Luật này với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thưởng vượt thu ngân sách là cần thiết bởi đây là kết quả nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các phương án thưởng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần đặt ra trần phần trăm để khống chế mức thưởng vượt thu ở mức tối đa là 30% nhằm tạo điều kiện khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế xã hội.
Cũng trong chiều 8-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về kết quả tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Buổi làm việc có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan – thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội đồng IPU-132. Các ý kiến tại buổi tổng kết cho rằng, đây là Hội nghị quốc tế đa phương có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức; là thành công to lớn của nước chủ nhà Đại hội đồng IPU-132, có ý nghĩa quan trọng đối với IPU và được IPU đánh giá cao.
Trước đó, sáng 8-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Về phạm vi sửa đổi Bộ luật, dự án đã sửa đổi, bổ sung 58/261 điều của Bộ luật hàng hải hiện hành, bao gồm một số quy định về công tác quản lý Nhà nước, bổ sung điều chỉnh một số phương tiện, thiết bị, công trình biển, cụ thể hóa một số quy định Hiến pháp về bảo vệ quyền công dân và sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính kỹ thuật khác.
Thu Thủy – TTXVN