Thương lắm Trà Leng!
(Cadn.com.vn) - Những con đường hiểm trở, những ngôi nhà đất xiêu vẹo, những đứa trẻ gầy guộc với những bữa ăn chỉ có mì gói với rau rừng... là những hình ảnh ám ảnh chúng tôi sau chuyến thiện nguyện về thôn 3, xã Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam)...
![]() |
Nhiều người dân thôn 3 (Trà Leng) sống trong những căn nhà tạm bợ. |
Khởi hành từ Đà Nẵng lúc 5 giờ ngày 26-2, vượt 150 km và 1 giờ 30 phút đi bộ đường rừng, mãi đến 15 giờ chúng tôi mới đặt chân đến thôn 3 (xã Trà Leng). Đón chúng tôi là những nụ cười thân thiện, chân chất của những người con núi rừng. Hai ngày một đêm sống cùng bà con, chúng tôi thấu hiểu được cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề của người dân nơi đây. Đêm không điện, cái lạnh buốt núi rừng xuyên thấu, nhưng ấm lòng hơn khi được tham gia buổi đốt lửa, sinh hoạt cộng đồng cùng bà con và kể bà con nghe chuyện miền dưới. Thôn 3 có 50 hộ dân, trong đó có 39 hộ sống tập trung và 11 hộ sống rải rác. Người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng quế, trồng cau, thu nhập thấp lại chịu nhiều thiên tai, cuộc sống tự cung tự cấp, nên còn nhiều khó khăn. 100% ngôi nhà làm bằng tre, gỗ tạp, mỗi nhà chỉ có cái giường làm chỗ ngủ cho 4- 5 người là tài sản duy nhất. Ông Hồ Văn Đừng, Trưởng thôn 3, chia sẻ: “Thôn 50 hộ thì 35 hộ nghèo và 11 hộ đặc biệt nghèo. Thiếu điều kiện cho bà con sản xuất, thanh niên lên đồi trồng quế, còn lại bỏ qua làng khác. Huyện có chu cấp nhưng vẫn còn đói dữ lắm”. Thôn có 35 trẻ tuổi mầm non và 28 học sinh lớp 1 đến lớp 3 học tại thôn, 12 học sinh lớp 4, lớp 5 học tại xã và một số học sinh cấp 2 trở lên học nội trú. Lớp học chỉ có bảng đen và những bộ bàn ghế do bà con tự đóng nham nhở, tường xi măng khá hơn thì đã cũ và ẩm ướt vào mùa mưa. Bữa ăn thường chỉ có mỳ tôm với rau do thầy cô tự trồng, lâu lắm mới có cá thịt vùng thấp đưa lên, nhưng chỉ đủ một bữa ăn cho 35 trẻ mầm non. Cháu Đỗ Thị Lạc (5 tuổi), ngọng nghịu: “Ăn mỳ tôm không no, con thích ăn chơm với chá thôi”. Các trẻ được thầy cô chăm sóc tại trường, cùng học, sinh hoạt trong môi trường còn nhiều thiếu thốn nên chất lượng học tập không mấy hiệu quả, học sinh chậm hơn so với các địa bàn khác trong huyện, đó là nỗi lo của thầy cô giáo cùng ban chủ nhiệm hợp tác xã thôn 3. Một giáo viên tâm sự: “Từ bữa ăn cho đến đồ dùng học tập của trẻ đều do huyện cấp, phụ huynh không phải chi trả gì nên trẻ được đi học đầy đủ. Nhưng việc ăn uống của các em quá thiếu chất nên đa số trẻ bị suy dinh dưỡng”. Còn Trạm y tế cách thôn 1 giờ 30 phút đi bộ nên ít bà con đến khám chữa bệnh mà chỉ tự uống lá thuốc ở nhà nên nhiều người chết vì bệnh tật cao. Chị Lò Thị Hợi nói: “Trạm y tế xa quá nên mình tự đẻ 5 đứa con ở nhà hết. Còn đau ốm thì lên đồi hái lá thuốc về uống, đến trạm chữa tốn tiền lắm”. Hôm ấy, chúng tôi đến anh Hồ Văn Thi, hộ khó khăn nhất thôn 3, nằm cách xa làng khoảng 3km. Gia đình 5 người sống trong ngôi nhà tre 20m2, ngoài chiếc giường ra nhà không có tài sản gì. Anh Thi bị tai nạn trong lúc đi rừng nay mất khả năng lao động, vợ bị bệnh hen suyễn quanh năm. Họ có 2 con, một cháu mẫu giáo và một cháu mới sinh. Cả gia đình sống nhờ việc chăn nuôi vài ba con heo rừng cùng 120m2 đất trồng quế. Nhiều lần được chính quyền địa phương động viên gia đình chuyển về sống gần bà con trong thôn để được giúp đỡ nhưng họ từ chối. Anh Thi nói: “Đất nhà tôi ở đây, tổ tiên mấy đời ở đây, dù khó khăn thế nào chúng tôi vẫn ở đây” (!?).
![]() |
Lớp học mầm non tại thôn 3. |
Thôn 3, xã Trà Leng là một trong những địa bàn vùng cao tỉnh Quảng Nam, địa hình trắc trở, nhất là vào mùa mưa, việc đi lại đến các thôn lân cận vô cùng khó khăn. Đất đồi khô cằn nên không trồng được lúa nước, người dân chỉ biết chăn nuôi, lấy củi, săn bắt, hái rau rừng để có cuộc sống qua ngày. Tuy nhiên việc trồng quế và cau không đem lại kinh tế ổn định, do thời tiết khắc nghiệt, trồng cây theo lối truyền thống và con đường giao lưu mua bán khó lưu thông... Những ngày đêm vượt núi rừng và những bữa rau muối cùng bà con, giúp chúng tôi hiểu được cuộc sống còn quá nhiều thiếu thốn, khó khăn của người dân nơi đây. Chia tay bản làng xuống núi, ngoảnh lại phía sau là những ánh mắt trẻ thơ đen lay láy đang nhìn theo. Lòng ai cũng như chùng xuống, cứ thầm ước ao một ngày nào đó khoảng cách miền xuôi, miền ngược ở Trà Leng sẽ được ngắn lại như rất nhiều vùng cao khác đã khởi sắc từ sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của chính những người dân nơi ấy...
Bài, ảnh: Thành Tâm