Thượng viện Mỹ bắt đầu luận tội Tổng thống Trump
Thượng viện dự kiến sẽ ban hành lệnh triệu tập chính đối với Tổng thống Trump, thông báo cho ông về những cáo buộc chính thức và mời ông phản hồi trước tối 18-1.
Phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington ngày 16-1 (sáng 17-1, giờ Việt Nam). Ảnh: AP |
Thượng viện Mỹ ngày 17-1 (giờ Việt Nam) mở phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump, bằng buổi lễ trang nghiêm, các thượng nghị sĩ đứng tại bàn làm việc tuyên thệ về công lý vô tư với tư cách bồi thẩm.
Theo AP, thư ký Hạ viện Cheryl Johnson mang theo 2 văn kiện luận tội chống lại Tổng thống Trump trong đoàn diễu hành với 7 nghị sĩ Hạ viện để đến Thượng viện Mỹ. Tại phiên tòa, các công tố viên chính thức đọc hai điều khoản luận tội trước khi bắt đầu thử thách mang tính lịch sử đối với Tổng thống Mỹ.
Phiên tòa thứ 3 trong lịch sử Mỹ
Tại Hạ viện, Tổng thống Trump bị buộc tội lạm dụng quyền lực và cản trở công lý trong việc gây sức ép để Ukraine điều tra các đối thủ chính trị, chặn khoản viện trợ quân sự 391 triệu USD làm lợi thế đàm phán, và ngăn cản Hạ viện điều tra hành vi của ông. Và giờ đây, tất cả những tội danh này bắt đầu được đưa ra xét xử tại Thượng viện.
Phiên tòa tại Thượng viện như thế này, là lần thứ 3 trong lịch sử Mỹ, diễn ra đúng vào năm bầu cử quan trọng và tại thời điểm nền chính trị Mỹ chia rẽ sâu sắc. Chánh án Tòa tối cao John G. Roberts trở thành người chủ trì phiên tòa. Tại buổi lễ, chánh án Roberts thề sẽ thực thi phiên tòa luận tội Tổng thống Trump theo đúng hiến pháp và pháp luât. Ông sau đó đọc lại lời thề công tâm, vốn chỉ được tuyên thệ trước đó đúng 2 lần trong lịch sử Mỹ. Các thượng nghị sĩ sau đó ký tên trong quyển sách tuyên thệ tại buổi lễ, đánh dấu bước cuối cùng trong cuộc điều tra nhằm phế truất Tổng thống Trump.
Trong khi đó, nghị sĩ Adam Schiff, một trong những nhân vật chủ chốt tại Hạ viện sẽ đứng đầu việc truy tố Tổng thống Trump, cho biết: “Về hạnh kiểm của ông ấy, và việc vi phạm lời tuyên thệ hiến pháp… Donald J. Trump đã lạm dụng quyền lực của tổng thống và ngăn cản Hạ viện điều tra bằng cách che giấu những hành động của mình. “Tổng thống Trump phải bị luận tội, xét xử, phế truất và mất tư cách đảm nhiệm hoặc được hưởng mọi chức vụ, niềm tin tưởng và lợi ích tại Mỹ”, ông Schiff nhấn mạnh.
Phiên tòa càng “nóng” khi Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ, một cơ quan giám sát thuộc Quốc hội Mỹ cũng công bô một báo cáo, trong đó khẳng định, chính quyền Tổng thống Trump vi phạm luật liên bang khi giữ lại khoản viện trợ an ninh cho Ukraine vốn đã được lưỡng viện Quốc hội nước này thông qua. Cơ quan này nhận định, tổng thống không có quyền ngăn chặn việc sử dụng số ngân sách mà Hạ viện đã phê duyệt.
Tương lai nào cho ông Trump?
Theo các nguồn tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump không theo dõi buổi bắt đầu phiên tòa luận tội chính mình, vốn được truyền hình trực tiếp. giới quan sát cho rằng, có thể ông chủ Nhà Trắng tự tin về khả năng rất cao là Thượng viện - hiện do phe Cộng hòa kiểm soát - sẽ không kết tội ông. Tổng thống Trump chỉ viết trên Twitter rằng: “Tôi vừa bị luận tội chỉ vì một cuộc gọi hoàn hảo”. Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham, phản ứng chính thức của Tổng thống Trump trước các cáo buộc luận tội sẽ chứng tỏ ông không làm điều gì sai trái.
Thượng viện dự kiến sẽ ban hành lệnh triệu tập chính đối với Tổng thống Trump, thông báo cho ông về những cáo buộc chính thức và mời ông phản hồi trước tối 18-1. Các thượng nghị sĩ cũng đưa ra danh sách hạn chót cho đội ngũ Tổng thống Trump và quan chức Nhà Trắng. Tổng thống Trump gần đây từng nói sẵn sàng tổ chức một cuộc bỏ phiếu sớm để bác bỏ các cáo buộc, nhưng cần có sự hỗ trợ đầy đủ của đảng Cộng hòa. Hiện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo nhóm đa số Cộng hòa tại Thượng viện, cùng các trợ lý đang chuẩn bị một nghị quyết để thiết lập giới hạn cho giai đoạn đầu xét xử luận tội. Tuy nhiên, phe Dân chủ dự tính đồng loạt phản đối nghị quyết này khi tổ chức bỏ phiếu vào ngày 21-1.
Trong khi đó, nhóm luận tội cho biết, phiên tòa dự kiến kéo dài không quá 2 tuần. Đây là khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với phiên tòa xét xử Tổng thống Bill Clinton, năm 1999 và cả Tổng thống Andrew Johnson vào năm 1868. Cả hai ông sau đó đều được tha bổng.
KHẢ ANH