“Thủy chiến” với sa tặc
(Cadn.com.vn) - Chỉ vì lợi nhuận quá lớn nên các chủ thuyền, tàu tìm mọi cách khai thác cát trái phép trên tuyến sông. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tác động xấu đến môi trường, xâm phạm trực tiếp đến các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn P. Hòa Xuân.
Theo CAQ Cẩm Lệ, từ lời khai của các đối tượng vi phạm, kết hợp kết quả xác minh có thể khẳng định, thời gian gần đây, tốc độ đô thị hóa tại Đà Nẵng diễn ra quá nhanh khiến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng vọt. Đặc biệt, lượng cát sử dụng san lấp nền nhà, chân cầu, mặt bằng... ngày càng có giá khiến nhiều chủ tàu thuyền lén lút khai thác dọc theo bờ sông đi qua địa bàn Q.Cẩm Lệ để bán cho các đề-pô. Trung bình một tàu sắt có tải trọng 50m3, một đêm chỉ cần hút 2 chuyến, mỗi chuyến chừng 2 tiếng đồng hồ, trừ chi phí xăng dầu có thể kiếm được 2 triệu đồng.
Có điểm khai thác, có điểm thu mua, nên “sa tặc” sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hút cát bất kể ngày đêm sau khi đã bố trí lực lượng theo dõi mọi nhất cử nhất động CBCS CAQ Cẩm Lệ và lực lượng chức năng. Chỉ cần thấy bóng dáng CAQ Cẩm Lệ xuất hiện ở P. Hòa Xuân là chúng sẽ thông tin cho nhau rút đi nơi khác. Hậu quả của hành vi phạm pháp này là hàng loạt ao nuôi tôm của người dân P. Hòa Xuân bị gây sạt lở, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Bãi rau sạch La Hường nằm ở ven sông Cẩm Lệ thuộc địa bàn P. Hòa Thọ Đông càng ngày càng bị thu hẹp vì ghe hút cát sục vòi rồng vào sâu tận bờ, sạt bờ lở đất. Nghiêm trọng nhất là dự án Khu E2 mở rộng, KDC Nam cầu Cẩm Lệ thuộc địa bàn P. Hòa Xuân bị sa tặc tấn công, có nguy cơ không thể triển khai đúng tiến độ.
Lực lượng CAQ Cẩm Lệ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên sông. |
Ngày 21-6, Cty TNHH Khởi Phát có công văn gửi Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Cty TNHH MTV Vật liệu Xây dựng – Xây lắp và Kinh doanh nhà phản ánh về thực trạng hút cát trộm tại khu Hạ tầng Kỹ thuật Khu E2 mở rộng giai đoạn 1. Cụ thể, Cty TNHH Khởi Phát là đơn vị thi công gói thầu Khu E2 mở rộng, KDC Nam Cầu Cẩm Lệ giai đoạn 1, phân kỳ 1-2-3, hạng mục san nền, giao thông, thoát nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một số thuyền hút cát trộm dọc bờ sông thuộc ranh giới san nền của dự án, gây sụt lún nền hiện trạng và có khả năng gây sạt lở trong mùa mưa sắp đến, làm ảnh hưởng đến khối lượng san nền sau này. Mặc dù Cty TNHH Khởi Phát nhiều lần nhắc nhở nhưng “sa tặc” vẫn lỳ lợm.
Trước thực trạng đó, ngày 24-6, Cty TNHH MTV Vật liệu Xây dựng – Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng có Văn bản số 1577 gửi UBND TP Đà Nẵng nêu lại kiến nghị của Cty TNHH Khởi Phát và báo cáo thêm thông tin, đơn vị thi công Khu E2 mở rộng (giai đoạn 3) KDC Nam cầu Cẩm Lệ là Cty Cổ phần Dinco cũng thường xuyên phản ánh về tình trạng có khoảng 10 tàu hút cát trộm vào ban đêm, làm tổn hao phần lớn khối lượng đất san lấp. Ngày 27-6, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng có Công văn số 2346 gửi UBND TP Đà Nẵng kiến nghị về việc hút cát trộm. Trong công văn này, Sở Xây dựng cho biết đã phối hợp Cty TNHH Khởi Phát và TNHH MTV Vật liệu xây dựng – Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng kiểm tra thực tế hiện trường đúng như phản ánh.
Khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng. |
Theo CAQ Cẩm Lệ, trước phản ánh của cơ quan chức năng, đầu tháng 7-2013, UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 6781/UBND – QLĐT gửi CATP Đà Nẵng, Sở Tài nguyên- Môi Trường, Sở NN&PTNT, Sở Giao thông Vận tải, UBND Q.Cẩm Lệ về việc: “Kiểm tra, xử lý việc hút cát trộm trên sông Quá Giáng khu vực dự án Khu E2 mở rộng – KDC Nam cầu Cẩm Lệ”. Từ cơ sở này, Thượng tá Đặng Văn Khuôn-Phó CAQ Cẩm Lệ chỉ đạo Đội CSĐTTPVKT-CV-MT xây dựng kế hoạch triển khai xác minh, truy bắt, xử lý các tàu thuyền khai thác cát trái phép. Sau 15 ngày ra quân (từ 5-7 đến 20-7), triển khai áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, Đội đã phát hiện, bắt quả tang 5 thuyền và 1 đề-pô khai thác, mua bán cát trái phép.
Cụ thể, sau vụ bắt quả tang tàu hút cát của ông Dung và bà Chi, 10 giờ 30 ngày 15-7, Đội CSĐTTPVKT-CV&MT phát hiện, bắt quả tang Lê Như Quân (1979) cùng vợ là Nguyễn Thị Bé Chút (1983, trú P. An Hải Bắc, Q.Sơn Trà) sử dụng tàu sắt số hiệu ĐN 0385 và một số dụng cụ chuyên dụng khác để hút cát tại khu vực sông Vĩnh Điện thuộc tổ 3 (P. Hòa Xuân). Qua đấu tranh, cả hai khai nhận hút cát dưới sông lên bán cho các đề-pô với giá 20.000 đồng/khối. Chiếc tàu này được Quân mua lại của Cty TNHH TM&DV Thịnh Hòa quản lý, sử dụng. Lúc bị bắt quả tang, trên tàu vừa mới hút được 15m3 cát tại vị trí không được cơ quan chức năng cho phép khai thác. Tiếp đến, 2 giờ ngày 20-7, Đội CSĐTTPVKT-CV-MT phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Tiến (1993) và em trai là Nguyễn Tiến Em (1995), cùng trú P. An Hải Bắc, Q.Sơn Trà sử dụng thuyền hút cát trái phép tại khu vực bờ kè Khu đô thị sinh thái thuộc địa phận tổ 26 P.Hòa Xuân. Tại hiện trường, CAQ Cẩm Lệ phát hiện trên ghe vi phạm có 5m3 cát vừa mới hút, lập biên bản vi phạm quả tang và đề xuất lãnh đạo UBND Q.Cẩm Lệ ra quyết định xử phạt hành chính.
Hầu hết các tàu thuyền vi phạm khai thác cát trái phép đều được CAQ Cẩm Lệ củng cố hồ sơ, chuyển UBND Q.Cẩm Lệ ra quyết định xử phạt hành chính với mức 15 triệu đồng/trường hợp. Mức phạt này tuy là cao nhưng so với lợi nhuận từ việc khai thác trái phép mang lại không đáng là bao. Có trường hợp sau khi bị phát hiện, lập biên bản xử lý hành chính đã xin được nộp phạt để lấy tàu ra tiếp tục vi phạm như tàu của Lê Như Quân cùng vợ là Nguyễn Thị Bé Chút, ngày 15-7 vi phạm, đến ngày 21-7 tiếp tục tái phạm, bị CAQ Cẩm Lệ phát hiện bắt giữ.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác cát trái phép, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa. Ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định, cần phải có thêm chế tài tạm giữ phương tiện, hoặc nếu tiếp tục tái phạm thì sẽ bị tịch thu sung công quỹ. Thêm nữa, cần phải có chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ phương tiện cho lực lượng trực tiếp tuần tra, mật phục, truy bắt sa tặc để đạt hiệu quả cao hơn.
Phóng sự: Nguyên Thảo