Thủy điện, những điều trông thấy… (3)

Thứ tư, 06/11/2013 07:50

* BÀI 3: NỢ “TRẢ NỢ RỪNG”

(Cadn.com.vn) - Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định số 23/2006 của Chính phủ quy định: bất cứ cá nhân, tổ chức nào xâm hại, sử dụng diện tích rừng tự nhiên, phải trồng mới lại đúng bằng diện tích đã xâm hại, sử dụng... Vậy hàng chục DATĐ trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên sử dụng hàng trăm  nghìn héc-ta rừng tự nhiên đã “trả nợ rừng” như thế nào?

(Cadn.com.vn) - Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng khi xây dựng thủy điện (TĐ) từ năm 2006 đến năm 2012 là 2.581, 83 ha, với diện tích phải chuyển đổi trồng rừng thay thế là 1.459, 17 ha (38 DATĐ). Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 11 phương án trồng rừng thay thế với diện tích 1.095, 29 ha (trồng rừng mới 632, 29 ha, trồng rừng khoanh nuôi bổ sung 171, 80 ha).

Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện việc trồng rừng bồi hoàn, do nhiều nguyên nhân khác nhau: chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính; quỹ đất bố trí cho việc triển khai trồng rừng thay thế ở một số địa phương chưa hợp lý, phải điều chỉnh;  thời gian triển khai trồng rừng chậm, nên đơn giá xây dựng dự toán không còn phù hợp  với thực tế; việc quản lý nguồn vốn và công tác triển khai còn bất cập; một số chủ đầu tư thiếu sự hợp tác…

Một số đơn vị chưa tiến hành lập phương án trồng rừng thay thế như BQL  TĐ Tà Vi, TĐ sông Bung 4A.  Một số dự án có trước Nghị định 23 của Chính phủ như TĐ A Vương, Khe Diên nên không có phương án trồng rừng thay thế.  

Những lòng hồ thủy điện là nơi ngốn nhiều diện tích rừng nhất và cũng là nơi lâm tặc lợi dụng
để vận chuyển lâm sản trái phép.

Đã có câu hỏi: “Có lẽ phải đặt trách nhiệm trồng bồi hoàn lại rừng khi xây dựng thủy điện cho ngành Điện?”, nghĩa là đặt thêm chức năng bảo vệ và tái sinh rừng cho ngành Điện lực. Thoạt nghe, chắc chắn  bạn đọc sẽ cho là vô cùng hài hước và “chẳng hiểu gì về điện" cả!. Vậy nhưng, trong chuyến đi thâm nhập thực tế này, chúng tôi lại được nghe nhiều lãnh đạo các địa phương có công trình TĐ và cán bộ ngành chức năng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nêu ra câu hỏi như vậy.

Rõ ràng, đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam có thêm chức năng bảo vệ và trồng rừng thì thật là tréo ngoe chẳng ăn nhập gì với chuyên môn của họ cả. Song câu hỏi này lại có hàm ý của nó. Bởi tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường của 100% các dự án TĐ lớn hay nhỏ đều nêu việc trồng bồi hoàn rừng đã mất khi xây dựng TĐ.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Từ Văn Khánh, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam dẫn giải:  Trên thực tế, để bắt đầu  xây dựng một công trình TĐ, cần phải xây dựng rất nhiều các công trình phụ trợ khác, như đường giao thông công vụ và vô số các công trình phụ trợ phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu của nhà máy.

Vì vậy có một phép tính đơn giản, công trình TĐ cứ sử dụng 1ha đất rừng thì có đến 3 ha rừng bị phá. Vụ án TĐ Khe Diên (Quảng Nam) là một ví dụ điển hình trong câu chuyện này. Khi công trình nhà máy TĐ hoàn thành, phần đất rừng không dùng tới lại bàn giao về cho địa phương  quản lý. Trách nhiệm nhà máy là phải phối hợp giữ rừng để đảm bảo nguồn nước, đây là vấn đề tiên quyết để đảm bảo cho nhà máy TĐ hoạt động.

Luật pháp quy định, trách nhiệm bảo vệ rừng là của toàn cộng đồng, đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức kinh tế- xã hội nào, trong đó đối với nhà máy TĐ, trách nhiệm riêng là phải bảo vệ rừng đầu nguồn của mình. Tuy nhiên trong thời gian qua, trách nhiệm này hầu như ít được các TĐ quan tâm, công việc bảo vệ rừng hầu như vẫn bị phó thác cho ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Nhà máy TĐ Khe Diên, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã gần 6 năm cũng chỉ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng được một nhà trạm trực gác rừng; Nhà máy TĐ Đắk Mi 4 chỉ hỗ trợ một nhà tạm làm việc; nhà máy TĐ A Vương chưa thấy có hỗ trợ bất kỳ khoản nào cho công tác bảo vệ, quản lý rừng phòng hộ. Trong khi đó, trên thực tế, mỗi nhà máy TĐ nào triển khai, đi vào hoạt động thì nơi đó luôn là điểm nóng về tình hình khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản. Bởi lòng hồ và đường công vụ các công trình TĐ chính là đường giao thông thuận tiện nhất để các đối tượng lâm tặc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép (như lòng hồ TĐ Đăk Mi 4 trong thời gian gần đây).

Hàng chục thủy điện ở Quảng Nam, mới chỉ có TĐ A Vương chi trả dịch vụ môi trường rừng
ở H. Đông Giang.

Theo lãnh đạo của Sở NN&PTNT Quảng Nam, tính đến thời điểm hiện nay chưa có một nhà máy TĐ nào, hoặc một đơn vị kinh tế nào tác động đến rừng tự động hoàn thổ (trồng tái tạo rừng- PV) theo quy định pháp luật. Theo quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đối với ngành TĐ, cứ sản xuất ra 1KW điện phải chi trả 20 đồng.

Ví dụ như nhà máy TĐ A Vương có công suất theo thiết kế là 815 KW/h, một năm sản xuất được trên 1 triệu KW điện, áp dụng theo NĐ99 nêu trên, phải chi trả phí dịch vụ môi trường rừng là hơn 20 tỷ đồng. Quy định là như thế, nhưng xem ra vẫn còn lấn cấn, phức tạp.  Đơn cử, ngày 13-1-2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 136 về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (tên giao dịch quốc tế viết tắt: Quang Nam FPDF) với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, chi trả thanh toán các nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm bảo vệ, phát triển, tái tạo rừng... UBND tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, buộc các chủ đầu tư, trong đó có ngành TĐ ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ngày 2-5-2012 UBND tỉnh này lại có Quyết định số 1391/QĐ-UB phê duyệt các đơn vị sản xuất TĐ thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định này, có  hai cơ sở sản xuất TĐ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là Cty Cổ phần TĐ A Vương và Cty TĐ Sông Tranh 2,  cùng 11 cơ sở sản xuất TĐ nhỏ không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nằm trong diện phải góp Quỹ… với con số tính toán phí dịch vụ phải chi trả lên tới  cả trăm tỷ đồng/ năm.

Tuy nhiên, từ văn bản đến thực tiễn còn có một khoảng cách mênh mông. Minh chứng là trong năm 2008-2009, nhà máy TĐ A Vương đặt vấn đề tái sinh rừng với H. Đông Giang nhưng… lại chưa tìm ra đất để trồng rừng !?.  Sau đó Cty CP TĐ A Vương đã đề nghị được chuyển tiền cho tỉnh, để tỉnh giao cho địa phương làm. Cuối năm 2011, UBND tỉnh đã giao cho BQL rừng phòng hộ ở Đông Giang “làm hộ” cho Cty CP TĐ A Vương… nhưng đến nay việc trồng rừng vẫn đang nằm trong giai đoạn thiết kế chờ tỉnh phê duyệt!.

Mãi đến cuối tháng 10-2013, Cty CP TĐ A Vương mới lập kế hoạch chi khoảng 14 tỷ đồng trồng rừng thí điểm tại 2 thôn A Sờ, A Bông xã Màcooih, Đông Giang và đây cũng là đơn vị duy nhất chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tất cả các nhà máy TĐ còn lại có tên trong danh sách trồng tái tạo rừng, chi trả chi phí quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ cho các nhà máy TĐ… vẫn chưa chịu “trả nợ rừng”.

Chính vì thực tế dùng dằng trên, nên ý kiến đề xuất nên giao thêm cho ngành Điện chức năng "bảo vệ và quản lý, trồng rừng" chẳng phải là câu nói đùa.

Phóng sự điều tra: Hồng Thanh- Lê Hùng